Mường Chà giảm tỷ lệ sinh con thứ 3

12:32 - Chủ Nhật, 22/08/2021 Lượt xem: 4032 In bài viết

ĐBP - Mường Chà là huyện vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phần lớn người dân nhận thức về thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) còn nhiều hạn chế. Nhằm góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thời gian qua, huyện Mường Chà đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, công tác truyền thông được xác định là khâu quan trọng, nhằm không chỉ góp phần thay đổi nhận thức mà còn thay đổi hành vi của người dân trong vấn đề DS - KHHGĐ.

Cán bộ dân số xã Na Sang tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ, không sinh con thứ 3 trở lên.

Bà Tòng Thị Hiền, Phó phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Mường Chà) cho biết: Ngoài sự kết hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ làm công tác dân số thì đơn vị xác định công tác truyền thông là khâu then chốt trong việc giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Huyện đã chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua nhiều hình thức như: Tăng cường truyền thông lồng ghép vào các cuộc họp bản, tổ dân phố, sinh hoạt thường kỳ của các đoàn thể; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng kịp thời đưa tin, bài về các hoạt động tuyên truyền nêu gương điển hình trong thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THPT Mường Chà, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện…

Cán bộ làm công tác dân số cũng tập trung tuyên truyền cho đối tượng vị thành niên, thanh niên ở các bản, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Trước đây, phụ nữ là đối tượng chính trong công tác vận động các biện pháp KHHGĐ, thì nay, các buổi tuyên truyền tập trung vào nam giới nhiều hơn. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức 440 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với 11.000 lượt nghe, tuyên truyền qua loa phát thanh 221 lần; tư vấn trực tiếp về DS - KHHGĐ với 860 lượt nghe; cấp phát hàng nghìn tờ rơi; treo băng rôn nhân các sự kiện về dân số; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các đợt chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại 7 xã: Na Sang, Mường Tùng, Ma Thì Hồ, Huổi Mí, Huổi Lèng, Mường Mươn, Sá Tổng. Nhờ đó, đã kịp thời tư vấn, cung cấp gói dịch vụ KHHGĐ, khám và điều trị phụ khoa, khám thai cho chị em trên địa bàn.

5 năm trước, Na Sang là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao (chiếm 45%, thuộc diện cao nhất huyện), do quan niệm của một bộ phận người dân muốn sinh con trai để nối dõi tông đường, nhờ cậy tuổi già, thờ cúng tổ tiên. Nhưng với sự nỗ lực, không ngại khó khăn, vất vả của cán bộ dân số đến từng bản, từng hộ gia đình để tuyên truyền KHHGĐ nên 2 - 3 năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm và được kiểm soát chặt chẽ (tính đến tháng 6/2021 là 22,3%). Đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Chị Vàng Thị Dợ, bản Na Sang 1, xã Na Sang cho biết: “Nhờ được cán bộ xã tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về DS - KHHGĐ nên gia đình tôi đã ý thức được việc sinh nhiều con là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tôi và gia đình đã bàn bạc, thống nhất với nhau sẽ không sinh thêm con nữa để nuôi dạy cho chu đáo, tập trung phát triển kinh tế gia đình”.

6 tháng đầu năm 2021, số trẻ sinh ra trên địa bàn huyện Mường Chà là 729 trẻ; trong đó, 196 trẻ là con thứ 3 trở lên. Tuy đã đạt một số kết quả nhất định, song công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy đã giảm nhưng vẫn chiếm 26,8%. Do đó, thời gian tới, huyện Mường Chà sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai thực hiện tốt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với công tác dân số; tổ chức tập huấn và nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản… Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, thực hiện hiệu quả KHHGĐ nhằm giúp người dân nuôi dạy con thật tốt, yên tâm phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận
Back To Top