Hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh kịp thời, đúng lúc

08:48 - Thứ Tư, 25/08/2021 Lượt xem: 4840 In bài viết

ĐBP - Tỉnh ta đã có nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được phê duyệt hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên con số này vẫn thấp so với số rà soát sơ bộ trước đó; và triển khai tương đối chậm so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Cán bộ xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) kiểm tra lại hồ sơ của các F1 đã hoàn thành cách ly được phê duyệt hỗ trợ thuộc địa bàn xã.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị quyết số 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 23) về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đến ngày 23/8, tỉnh ta đã phê duyệt, triển khai được cho 5 nhóm với hơn 9.000 trường hợp, bao gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (7.971 người lao động); hỗ trợ người lao động ngừng việc (1 cá nhân); người lao động là hướng dẫn viên du lịch (1 người); trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (1.006 hồ sơ); hộ kinh doanh (49). Có thể thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ hiện đang tập trung vào 2 nhóm chính. Ngoài 5 nhóm trên, các đối tượng còn lại đang triển khai, chưa có hồ sơ được phê duyệt.

Qua tổng hợp, tham mưu của UBND huyện Điện Biên, ngày 12/8, UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 266 trẻ em và người cách ly y tế (F1) với tổng số tiền gần 287 triệu đồng. Cùng với đó đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho 4 hộ kinh doanh (quán karaoke, dịch vụ chăm sóc khách hàng) phải đóng cửa nghỉ dịch. Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: “Sau khi có chủ trương, hướng dẫn, huyện đã rà soát chặt chẽ, lập hồ sơ các trường hợp F1 hoàn thành cách ly. Trong quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc do nhiều người không giữ hoặc đã làm mất các giấy tờ cần thiết như quyết định cách ly, giấy hoàn thành cách ly, phiếu ăn khu cách ly. Cũng có trường hợp thời gian ghi trên các loại giấy tờ này không trùng khớp nhau. Cấp xã, huyện phải rà soát lại cẩn thận, tính đúng, đủ, đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người dân”.

Tại xã Thanh Xương, đợt phê duyệt hỗ trợ lần thứ nhất có 12 trường hợp F1 nằm trong danh sách, cũng gặp những phát sinh tương tự. Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Một số người dân không còn giữ giấy hoàn thành thời gian cách ly. Vì vậy xã đã cử cán bộ phụ trách tổng hợp chung các trường hợp này và đề nghị lên Trung tâm Y tế huyện cấp lại. Các trường hợp không có giấy biên nhận tiền ăn cũng đã xin xác nhận đầy đủ, đảm bảo hồ sơ theo đúng quy định. Danh sách đối tượng được hỗ trợ niêm yết công khai tại trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, bản để nhân dân cùng giám sát. Loa truyền thanh của xã thường xuyên phát thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để người dân nắm được”. Tuy nhiên, đến nay huyện Điện Biên vẫn chưa hoàn thành chi trả hỗ trợ cho người dân do khó khăn về kinh phí. Dự kiến, các xã có số lượng F1 được phê duyệt ít với tổng số tiền dưới 10 triệu đồng thì trích nguồn ngân sách dự phòng xã chi trả. Trên 10 triệu đồng do UBND huyện bố trí nguồn kinh phí, phân bổ cho xã tổ chức chi trả. Các bước đang được đẩy nhanh thực hiện trong tháng 8.

Còn tại TP. Điện Biên Phủ, mặc dù tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hỗ trợ được cho đối tượng nào. UBND TP. Điện Biên Phủ chỉ mới trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 1 hỗ trợ cho 23 người là F1, F0 đang điều trị, cách ly y tế. Chuyên viên Đỗ Thị Thanh Hòa, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố (phụ trách nội dung này) cho biết: “Các đối tượng khác đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện hồ sơ. Cụ thể, trường hợp F1, F0 đã hoàn thành cách ly do UBND phường, xã thụ lý hồ sơ. Đến nay đã có danh sách nhưng chưa đủ hồ sơ để trình đề nghị hỗ trợ. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc người dân không còn giữ đủ giấy tờ. Các cấp đang cùng người dân hoàn tất thủ tục hồ sơ. Đối với đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động cũng đang tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn thủ tục cho 2 cơ sở. Về hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã có phường Tân Thanh, Nam Thanh trình cơ quan thuế thẩm định 15 hộ”…

Mặc dù chính sách hỗ trợ được triển khai đến năm 2022, nhưng tỉnh ta mới trải qua một đợt bùng phát dịch bệnh khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động điêu đứng. Việc triển khai chính sách đúng đối tượng, rà soát, thẩm định chặt chẽ, công bằng, minh bạch là rất quan trọng, nhưng việc hỗ trợ kịp thời, đúng lúc cũng vô cùng cần thiết. Có vậy chính sách mới phát huy được hiệu quả, ý nghĩa như đúng mục đích đề ra. Vì vậy các cấp, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh công tác triển khai, sao cho chính sách nhanh chóng đến với người dân, thiết thực giúp người sử dụng lao động, người lao động vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top