Quyết liệt nhưng không “ngăn sông cấm chợ”

08:14 - Thứ Hai, 06/09/2021 Lượt xem: 3068 In bài viết

ĐBP - Quyết liệt trong các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, song không vì thế mà “ngăn sông cấm chợ”, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong suốt thời gian qua nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhưng vẫn phải khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân thực hiện khai báo y tế tại Chốt kiểm soát Cầu Hang Tôm, TX. Mường Lay.

Trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 20/5/2021, UBND tỉnh quyết định thành lập 4 chốt kiểm dịch, gồm 82 người, thuộc các lực lượng: Công an, y tế, quân sự, thanh tra giao thông để thực hiện kiểm soát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 liên tục, hoạt động 24/24 giờ. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản, công văn chỉ đạo các biện pháp trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Gần đây nhất là Công văn số 2704/KG-VX ngày 21/8/2021 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh quy định chỉ chấp nhận các trường hợp vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm (âm tính) bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ.

Quyết liệt trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, song cần phải nhận thức rằng, việc UBND tỉnh quy định như vậy không phải là “ngăn sông cấm chợ” mà là một trong những biện pháp cần thiết để hạn chế việc đi lại của người dân nhằm chủ động quản lý, kịp thời phát hiện, áp dụng biện pháp y tế với những người ở, trở về từ vùng dịch. Thực tế cho thấy, từ khi triển khai biện pháp trên, các chốt kiểm dịch của tỉnh đã kịp thời phát hiện, xét nghiệm và đưa đi cách ly hơn 1.980 trường hợp người đến, trở về từ vùng dịch. Qua đó, giữ chắc “vùng xanh”, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch vào địa bàn. Cùng với đó, việc duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân cũng được tỉnh thực hiện song hành với nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả.

Điển hình như đối với hoạt động vận tải. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh phải tạm dừng hoạt động, tuy nhiên hoạt động vận tải hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì hiệu quả. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2476/UBND-TH ngày 6/8/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, để bảo đảm cho các xe vận tải hàng hóa được nhanh chóng, đối với các xe có Giấy nhận diện gắn mã QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông vận tải cấp cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu khi lưu thông qua chốt kiểm dịch, cán bộ tại chốt kiểm dịch chỉ cần yêu cầu lái xe quét mã QR Code, đối chiếu với giấy tờ tùy thân, kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực, vào sổ kiểm soát xe “luồng xanh”. Nếu bảo đảm các điều kiện vào tỉnh, các xe sẽ được qua chốt.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 500 lượt ô tô qua chốt, trong đó các xe vận tải hàng hóa (xe luồng xanh) qua chốt khoảng 100 lượt/ngày. Với các giải pháp linh hoạt như trên, thông thường, mỗi xe “luồng xanh” làm thủ tục chỉ mất từ 2 - 3 phút, hạn chế tối đa thời gian giải quyết thủ tục, tránh ùn tắc khi qua chốt.

Cũng với quan điểm quyết liệt phòng dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, thời điểm làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại huyện Nậm Pồ và xuất hiện  ở huyện Điện Biên, TX. Mường Lay... công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh là vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh không thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh mà chỉ đạo dịch ở đâu khoanh vùng tại đó. Đồng thời, tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm, chỉ phong tỏa nơi tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, để các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra bình thường.

Ngay sau khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, tỉnh cũng nhanh chóng ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân. Thời điểm này, ngoài tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa cần thiết, như: Dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim thì các cơ sở, dịch vụ ăn uống (bao gồm cả ăn sáng), các hoạt động giải khát (bao gồm cafe, trà đá, trà chanh…) đều được mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, các chủ kinh doanh, người bán hàng chỉ được bán trong nhà, trong ki-ốt, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người, 2m giữa bàn với bàn. Nghiêm cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc.

Với những giải pháp linh hoạt, không cứng nhắc nhưng cũng không buông lỏng, việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh triển khai hiệu quả. Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, tình hình lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại trên thị trường toàn tỉnh từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.568 tỷ đồng, tăng 11,34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,14% kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top