Ðừng quên bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu

08:36 - Thứ Ba, 07/09/2021 Lượt xem: 3929 In bài viết

Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Trung thu. Ðây là thời điểm nhu cầu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu như bánh, kẹo, nước giải khát, nhất là bánh nướng, bánh dẻo… sẽ tăng đột biến. Ðiều đó cũng kéo theo nỗi lo về ngộ độc thực phẩm do bánh trung thu kém chất lượng của người tiêu dùng trên cả nước vào dịp này.

Làm bánh Trung Thu.

Theo các chuyên gia lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao dễ làm cho một số người hám lợi mà sản xuất, kinh doanh những sản phẩm không bảo đảm. Bên cạnh các cơ sở có đăng ký đầy đủ thủ tục, thực hiện đúng các quy trình sản xuất an toàn cho các loại bánh, thì vẫn còn không ít cơ sở nhỏ, sản xuất thủ công làm ăn theo tính chất "mùa, vụ" vô tình, thậm chí cố tình sử dụng chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản xuất tại cơ sở không đáp ứng được các điều kiện ATTP.

Bánh trung thu thường có thời gian sử dụng ngắn; nguyên liệu sản xuất là thịt, trứng, bột, đường, lạp xưởng… lại là những loại dễ bị ôi, thiu. Không những vậy, hiện còn tình trạng nhiều đối tượng đưa một số loại sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, lưu thông trên thị trường, kể cả bánh trung thu từ nước ngoài nhập lậu nhằm thu lợi bất chính. Những hành vi nêu trên gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm (NÐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tết Trung thu năm nay khá "đặc biệt", khi nhiều địa phương đang thực hiện các quy định về giãn cách xã hội ở những mức độ khác nhau, trong đó có hàng chục tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nơi thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn. Chính vì thế thị trường bánh trung thu kém sôi động. Nhưng việc bảo đảm an toàn về thực phẩm vẫn cần được quan tâm để người dân được đón Tết Trung thu trong niềm vui, an toàn. Chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ chức năng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất như nguyên tắc "ba tại chỗ", "một cung đường - hai điểm đến"… Ðặc biệt, cần lựa chọn những nguyên liệu sản xuất bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.

Với các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có biện pháp tuyên truyền, giám sát việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm thực phẩm nói chung và thực phẩm phục vụ dịp Trung thu nói riêng. Thực hiện thanh tra, kiểm tra phù hợp tình hình thực tế việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung, ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối… Ngành y tế các địa phương chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho người dân khi xảy ra NÐTP; thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây NÐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, ngành y tế trong công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu, người dân chỉ nên mua những sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đặc biệt lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến. Tuyệt đối không mua, không sử dụng sản phẩm không nhãn mác và thông báo kịp thời tới các cơ quan có trách nhiệm khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP để xử lý theo quy định của pháp luật...

P.V (theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top