Bản Hột không chỉ cần an cư

11:14 - Thứ Bảy, 25/09/2021 Lượt xem: 5075 In bài viết

1. Trận mưa như trút nước lúc sáng sớm khiến đường vào bản Hột (xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa) càng thêm khó đi. Con đường bê tông đã xuống cấp ngoằn ngoèo theo sườn núi, nhiều cua, độ dốc cao nên “tuổi thọ” tuyến đường chẳng kéo dài được bao lâu trước tác động của địa chất, thời tiết. Sau mấy năm, nước mưa đã xói mòn đất hai bên lề đường, mép đường bê tông nhanh chóng bị nứt, vỡ rồi loang vào mặt đường. Nhiều đoạn không còn nhận ra mặt bê tông mà chỉ còn lại ít đá. Ngồi cùng xe, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Đun, Chẻo A Páo nói như thanh minh: Ban đầu tuyến đường rất đẹp, người dân rất phấn khởi vì đi lại thuận lợi. Nhưng qua vài mùa mưa lũ xói mòn, đường hỏng nhanh quá!

Đường nội bản bản Hột được bê tông kiên cố.

2. Từ trên cao nhìn xuống, bản Hột yên bình trong một thung lũng hẹp và dài, hai bên là dốc núi. Giữa thung lũng, suối Huổi Luông trông khá hiền hòa trong một sáng mát trời. Hai bên suối là những ruộng lúa mùa xanh mướt. Song ít ai ngờ khung cảnh sơn thủy hữu tình ấy lại tiềm ẩn những nguy tai. Dòng suối ngỡ là hiền hòa kia đã từng mang đến sự sợ hãi cho người dân bản Hột, đến mức phải chuyển chỗ ở. Năm 2014, mưa lớn nước lũ dâng cao làm một nửa số hộ trong bản Hột bị ngập, nhiều diện tích ao, ruộng, gia súc, gia cầm và tài sản của dân bị cuốn trôi; công trình thủy lợi bị vùi lấp. Tuy không gây thiệt hại về người, song trước những nguy cơ hiện hữu từ vị trí định cư thấp, sạt lở đất, lũ quét... các cấp chính quyền đã quyết định di dời một phần bản Hột đến nơi ở mới an toàn hơn.

Dẫn chúng tôi đi dọc con đường nội bản bê tông sạch sẽ, Trưởng bản Hột, Vì Văn Kim cho biết: “Cả bản hiện có 138 hộ với hơn 720 nhân khẩu. Bản có trên 400 con trâu, 18ha lúa nước 2 vụ. Trong bản cũng có hộ khá, có hộ đủ ăn. Nhưng đánh giá chung thì cơ bản vẫn còn khó khăn.”

Người dân bản Hột không có tư liệu sản xuất dồi dào, lúa nước không nhiều, chăn nuôi chưa thực sự phát triển nên bình quân đời sống của bản còn khó khăn. Hiện nay bản Hột còn 52 hộ nghèo. Một số hộ khá giả theo lời trưởng bản Kim, đó hoặc là hộ có nhiều ruộng, nhiều trâu, hoặc một vài trường hợp đi làm thuê chịu thương chịu khó, biết tiết kiệm tích góp. Những năm gần đây, theo xu thế chung tại nhiều xã, bản vùng cao khác, người dân bản Hột cũng đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Lúc cao điểm, cả bản có khoảng 200 người đi làm thuê. Người làm ngay trên địa bàn huyện, trong tỉnh và cũng nhiều người làm thuê tại các tỉnh, thành khác. Thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nhiều trường hợp đi làm thuê, có tiền công thì mua xe máy trả góp. Có gia đình, tất cả thành viên đều đi làm thuê, cuối năm cũng có một khoản trên dưới 100 triệu đồng. Song trường hợp dành dụm được tiền để đầu tư, mua sắm, trang trải cho gia đình không nhiều. Cơ bản là làm đủ ăn, kiếm tiền công được đến đâu tiêu hết đến đó.

Trời lại đổ mưa! Chúng tôi tránh ướt trong nhà bà Lò Thị Thượng. Đó là một ngôi nhà sàn to đẹp. Bà Thượng đang cùng người nhà bóc vỏ một loại quả rừng mà bà Thượng cho biết người địa phương gọi là quả ré. Loại quả to bằng ngón tay cái người lớn được luộc rồi bóc vỏ, tỏa lên mùi hăng hắc. “Luộc lên thì sẽ nhanh khô hơn. Người ta mua để làm thuốc. 10 cân quả tươi thì được 2,5 cân khô. Bán cũng không được nhiều tiền đâu nhưng mình cứ lấy trên rừng về để thêm thu nhập thôi!” - bà Thượng vừa luôn tay bóc vỏ vừa trò chuyện. Gia đình bà Thượng nằm trong số ít những hộ khá của bản. Nhà bà có 2.000m2 ruộng nước, vụ chiêm cũng thu hoạch được từ 8 tạ đến 1 tấn thóc. Bà còn bán hàng tạp hóa, nuôi cả tằm, dế mèn. “Nhưng phục vụ gia đình thôi, để nhà ăn thôi!” - Bà Thượng giãi bày.

Bà Lò Thị Thượng, điểm bản Ten (bản Hột) sơ chế quả ré để bán kiếm thêm thu nhập.

Sau khi triển khai dự án “Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai bản Hột, xã Mường Đun”, 54 hộ dân của bản Hột nằm trong vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đã di dời đến nơi ở mới. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng di chuyển. Có 3 hộ mãi sau này mới di chuyển nên không được hỗ trợ. Trong đó 1 hộ mua đất từ trước, 2 hộ được bố trí trên đất nền dự kiến làm nhà văn hóa nhưng không sử dụng đến. Nếu đánh giá chung cả bản Hột vẫn còn những khó khăn thì phần nhiều lại rơi vào số những hộ dân phải di dời. Theo số liệu trưởng bản Vì Văn Kim cung cấp, trong số 54 hộ phải di chuyển tái định cư có 29 hộ nghèo. Nhiều hộ không có trâu, có lợn. Mỗi hộ tái định cư được bố trí 350m2 đất; ruộng thì theo định mức chung: 500m2/lao động chính, 250m2/lao động phụ. Một số hộ nghèo có ý chí vươn lên như: Nùng Văn Tuyên, Lò Văn Pẹn, Quàng Văn Triệu (điểm Loọng Phung) cả gia đình đi làm thuê, dành dụm tiền làm được nhà mới. Song vì nhiều lý do nhiều hộ vẫn nghèo, hoặc do ý thức, hoặc thiếu điều kiện sản xuất, hoặc thiếu các mô hình, hướng dẫn về sinh kế để giúp người dân phát triển kinh tế...

3. Bây giờ bản Hột gồm 3 điểm: Pu Giao, Loọng Phung và Ten. Hạ tầng nơi tái định cư được đầu tư tương đối tốt với đường, kè được bê tông hóa. Dưới chân 3 ngọn núi Đán Trại, Đán Vướng, Đán Lúc là những ngôi nhà sàn khang trang, sơn dầu đẹp đẽ. Bức tranh sơn thôn đẹp một cách yên bình với những mái tôn xanh, đỏ trên nền mơn mởn của lúa mùa, dưới bóng núi trầm mặc. Người dân không còn lo lắng hay sợ hãi mỗi mùa mưa lũ bởi đã an cư. Nhưng lạc nghiệp thì vẫn còn là một chặng đường xa. Bên trong nhiều ngôi nhà đẹp vẫn là đời sống khó khăn với những cuộc mưu sinh vất vả. Được biết chính quyền huyện Tủa Chùa đang tiến hành các bước để triển khai dự án kè suối bản Hột với mục tiêu bảo vệ ruộng lúa. Dự án có kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng để chống xói lở vào diện tích lúa mà chúng tôi đã “mục sở thị” là không lớn. Có nhất thiết thung lũng bản Hột phải có thêm đoạn kè bê tông hoành tráng? Nên chăng cần một giải pháp phù hợp, tiết kiệm hơn để dành kinh phí cho những mô hình sinh kế, hỗ trợ sản xuất. Bởi vì cái “vỏ” của bản Hột bây giờ đã đẹp rồi!

Nhất Nguyên
Bình luận
Back To Top