"Người đặc biệt" ở A Pa Chải

10:41 - Thứ Sáu, 15/10/2021 Lượt xem: 4865 In bài viết

ĐBP - Ông Lỳ Xuyến Phù, dân tộc Hà Nhì ở bản A Pa Chải, được cán bộ, nhân dân xã Sín Thầu  (huyện Mường Nhé) – xã cực Tây của Tổ quốc gọi là “người đặc biệt”. Đặc biệt không chỉ bởi trước đây ông phải đi bộ gần nửa tháng xuống núi học chữ, chuyện ông tổ chức cai nghiện thuốc phiện thành công cho hàng trăm người; vận động, chỉ đạo nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện; hướng dẫn người Hà Nhì canh tác lúa nước… mà ông luôn tỏa ra một năng lượng tích cực khiến người khác dễ bị thuyết phục.

Nhờ sự tiên phong, gương mẫu của ông Lỳ Xuyến Phù, đến nay người dân Sín Thầu đã chuyển hẳn sang trồng lúa nước, không còn làm nương. Ảnh: Biên Cương

Bài 1: Những cuộc “cách mạng”

Dù trải qua nhiều vị trí công tác, giữ nhiều chức vụ khác nhau, ông Lỳ Xuyến Phù luôn được người Hà Nhì ở Sín Thầu yêu mến, tin tưởng bởi sự trách nhiệm, chân tình, nhân ái.

Trục xuất “nàng tiên nâu”

Một chiều tháng Mười, chúng tôi lên Sín Thầu - miền đất ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào huyền thoại. Bên đường, những thửa ruộng bậc thang vào mùa vàng trĩu hạt, nối tiếp những cánh rừng già ngút ngàn.

Ông Lỳ Xuyến Phù đón chúng tôi vào căn chòi lá trước nhà ở bản A Pa Chải, ông giải thích: Ở vị trí này có thể bao quát được xung quanh, từ ruộng vườn cho đến người qua lại.

Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, người dân Sín Thầu nghèo đói, hầu như nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện, có nhà trồng nhiều hơn cả trồng lúa, ngô. "Của nhà làm được" nên trên địa bàn rất nhiều người nghiện thuốc phiện kéo theo nhiều hệ lụy. Bản A Pa Chải như lên cơn sốt, suốt ngày rình rập bắt trộm. Đôi mắt người Hà Nhì nhìn ai cũng thấy xấu, sểnh ra là mất cắp; khi con gà, khi con lợn, thậm chí cả trâu bò thả trên nương. Xã có gần 100 nóc nhà thì có tới 107 người nghiện. Năm 1984, ông Lỳ Xuyến Phù khi đó là người đứng đầu xã tự nhủ không thể để “nàng tiên nâu” hoành hành nữa, ông đã đăng ký với Đồn Biên phòng A Pa Chải và lãnh đạo huyện đưa toàn bộ người nghiện thuốc phiện đi cai. 

Tổ tuyên truyền, vận động được thành lập gồm lực lượng biên phòng, dân quân, đích thân Chủ tịch xã Lỳ Xuyến Phù luôn là người dẫn đầu trong các buổi vận động, tuyên truyền.

Ông Lỳ Xuyến Phù kể lại: Việc đưa người nghiện đi cai là cả một công cuộc không hề đơn giản. Ban đầu họ phản đối, không hợp tác, khuyên nhủ thế nào cũng không nghe. Một số đối tượng còn lôi kéo, kích động nhiều người, thấy tổ tuyên truyền đến là ném đá tới tấp. Quyết không nhân nhượng, tôi ra lệnh cho dân quân: “Lên đạn!” Tiếng quy lát của khẩu súng AK khiến các đối tượng núp trong căn nhà tranh lụp xụp hồn bay phách lạc, buông hòn đá túa ra xin tha. Từ đó không còn sự chống đối, công tác phá bỏ cây thuốc phiện đạt kết quả tốt với diện tích trên 1ha. “Mình làm thế để dọa thôi! Nếu không họ đâu có nghe!” -  vừa kể ông Phù vừa cười sang sảng.

Cách cai nghiện của ông Lỳ Xuyến Phù cũng khác người. Ông lên kế hoạch và chia người nghiện thuốc phiện làm 3 loại: Người từ 40 tuổi trở xuống có sức đề kháng tốt hơn thì đưa lên bản mới Tả Ló San, vừa cai nghiện thuốc phiện vừa tham gia lao động khai hoang, làm đường. Đồn Biên phòng hỗ trợ cán bộ quản lý người nghiện, cán bộ quân y và thuốc men. Số đối tượng nghiện nặng là người cao tuổi, sức yếu thì đưa về trung tâm xã tổ chức cai tập trung; số người nghiện nhẹ hơn, tôi cho gia đình viết giấy cam kết cai bắt buộc tại nhà.

Ông Lỳ Xuyến Phù cùng cán bộ biên phòng Đồn A Pa Chải thăm hỏi, động viên học sinh Hà Nhì đi học chuyên cần để sau này góp phần xây dựng quê hương. Ảnh: Tú Trinh

Được biết trong nhóm đối tượng nghiện thuốc phiện là người cao tuổi ấy có cả mẹ vợ Lỳ Xuyến Phù, nghiện hơn 20 năm. Ông kể: “Cai cho mẹ vợ tôi vất vả lắm, 5 lần mới thành công.” Rồi ông Phù chỉ sang người ngồi kế bên: “Thằng này ngày xưa cũng nghiện, mình phải cai cho nó. Bực mình sắp chết. Thế rồi nó cai được, thành người tốt, còn làm trưởng bản nữa!”. Người đàn ông được nhắc đến đỏ mặt gãi đầu cười, khẳng định: “Vâng! Đúng thế chị ạ! Ngày ấy ông chủ tịch xã không làm như thế thì mình và nhiều người khác nghiện to rồi!”.

Ông Lỳ Xuyến Phù hồi tưởng lại: Ngày đấy có mỗi xã tôi là làm được thôi! Vì chúng tôi đưa nhiều người nghiện đi bản xa, phải đi bộ 2 ngày đường. 2 năm ở đấy không có thuốc phiện để “ăn” sẽ cai được thôi! Trước đó mình cứ đi đâu về lại thấy người dân khóc, kiện nhau trộm gà trộm chó. Suốt ngày xử lý mấy vụ này, không làm ăn gì được. Mệt lắm!

Thành công trong cai nghiện thuốc phiện của xã Sín Thầu đã được UBND tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) tặng Bằng khen về mô hình cai nghiện tại cơ sở và được huyện nhân rộng. Tại cuộc họp của huyện về công tác cai nghiện thuốc phiện, ông Lỳ Xuyến Phù được đề nghị phát biểu kinh nghiệm, cách làm. Từ đó đến nay, xã Sín Thầu không có người nào nghiện thuốc phiện nữa.

Xây dựng nghị quyết “hạ điền”

Sau khi tổ chức cai nghiện thành công thì nạn phá rừng ập đến Sín Thầu. Không còn trồng cây thuốc phiện, người dân rủ nhau đi phá rừng; hết gạo ăn lên rừng, hết củi đun lên rừng, hết thức ăn lên rừng săn bắn; kiểm lâm tuần tra ban ngày thì họ chuyển sang ban đêm. Rừng đại ngàn bị “trảm” nhanh chóng đến cạn kiệt trong khi đói nghèo vẫn bủa vây người dân Sín Thầu.

Năm 1995 khi làm Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, ông Lỳ Xuyến Phù đưa ra sáng kiến và chủ trì xây dựng nghị quyết “Giảm nương xuống ruộng”, đây được coi là bước ngoặt làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân ở Sín Thầu. “Chỉ khi cái bụng no thì người ta mới không phá rừng” – ông Lỳ Xuyến Phù nói.

Ông lại say sưa kể những tháng ngày lội ruộng hướng dẫn người dân cấy lúa nước, làm ruộng bậc thang: “Tôi dẫn họ ra ruộng, chỉ cách đắp bờ, gieo mạ, cấy lúa. Ban đầu chỉ một vài hộ miễn cưỡng làm, sau thấy hiệu quả, năng suất cao hơn 9 - 10 lần so với làm nương dần dần nhà này rỉ tai nhà kia, bảo nhau cùng làm. Đất bạc màu thì cắt cây chó đẻ ủ phân xanh bón lót. Cứ như thế, người dân ở Sín Thầu chuyển hẳn sang cấy lúa nước với diện tích khai hoang trên 60ha, tăng gấp 10 lần diện tích lúa nước trước đó.

Xóa bỏ nạn nghiện thuốc phiện và mở rộng diện tích canh tác lúa nước, không còn tình trạng phá rừng, cuộc sống người dân Sín Thầu ngày càng no ấm. Những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm động lực giữ rừng cho người Hà Nhì. Các bản xây dựng hương ước giữ rừng; có hộ nhận được hơn 100 triệu đồng/năm nhờ công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Chính vì vậy tỷ lệ che phủ rừng ở Sín Thầu tăng lên rõ rệt.

Bài 2: Người truyền cảm hứng

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top