Còn những băn khoăn khi triển khai Quyết định 861

08:36 - Thứ Năm, 21/10/2021 Lượt xem: 4636 In bài viết

ĐBP - Nhiều chính sách an sinh xã hội thay đổi sau khi từ xã khu vực II, III lên xã khu vực I khiến không ít người dân tỉnh ta băn khoăn, chưa thích ứng. Những thay đổi ấy đang kéo theo nhiều thách thức về bao phủ bảo hiểm y tế, duy trì sĩ số học sinh... trên các địa bàn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực nắm bắt tâm tư, tuyên truyền, vận động, thúc đẩy, trợ sức để người dân tự lực vươn lên.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học xã Núa Ngam (huyện Điện Biên).

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Quyết định 861). Theo đó, tỉnh Điện Biên có 27 xã  khu vực I; 5 xã khu vực II và 94 xã khu vực III. Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên có 14 xã khu vực I, 15 xã khu vực II và 101 xã khu vực III. Ngoài ra, các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.

Việc phê duyệt xã theo khu vực như trên là phân định đơn vị hành chính cấp xã theo trình độ phát triển. Xã khu vực I là xã bước đầu phát triển, xã khu vực II là xã còn khó khăn, xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn. Với từng cấp phân định, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn như: Chế độ hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách bảo hiểm y tế, vay vốn ưu đãi, chính sách cho cán bộ công chức… sẽ thay đổi. Một số xã tỉnh ta từ xã khu vực II, III, sau khi đạt chuẩn/cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới với các tiêu chí kinh tế - xã hội ngày càng được nâng lên đã được xét là xã khu vực I, như: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ), Núa Ngam (huyện Điện Biên), Ẳng Nưa (Mường Ảng), Chà Nưa (huyện Nậm Pồ)...

Từ việc được Nhà nước quan tâm, thụ hưởng nhiều chính sách, nay người dân phải tự chi trả, tự lực nên ban đầu nhiều người không khỏi thắc mắc, ý kiến, thậm chí bức xúc. Tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, giai đoạn trước là xã khu vực III với 8 bản đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định 861, Núa Ngam trở thành xã khu vực I và còn 4 bản đặc biệt khó khăn. Theo đó hơn 2.000 người dân không còn được hưởng chính sách bảo hiểm y tế (trừ bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội). Hơn 300 học sinh phải nộp học phí 100%. Hơn 120 em điểm bản xa trung tâm nhưng không còn được hỗ trợ gạo và tiền ăn hàng tháng theo Nghị định 116/2016 NĐ-CP... Ông Cao Đăng Nghị, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam chia sẻ: Khi xã đi tuyên truyền người dân về những thay đổi liên quan đến Quyết định 861, ban đầu có người bảo “nhà tôi 4 - 5 đứa con đi học, cả đại học thế này thì khả năng phải cho một vài đứa nghỉ”. Nghe đau lòng quá, chúng tôi phải khuyên giải, vận động gia đình cố gắng cho con học đến nơi đến chốn, sau nếu vận động xã hội hóa được sẽ hỗ trợ phần nào những trường hợp khó khăn. Đến thời điểm hiện tại xã vừa tăng cường tuyên truyền người dân, vừa kêu gọi xã hội hóa, nhưng xác định xã hội hóa chỉ phần nào và không thể mãi mãi được. Trong quá trình triển khai nếu vẫn còn nhiều khó khăn, phát sinh, thì sẽ đề xuất, kiến nghị lên cấp trên có phương án hỗ trợ, giải quyết.

Được biết, Núa Ngam còn hơn 11% hộ nghèo, người dân chủ yếu làm ruộng, nương, đời sống còn nhiều khó khăn. Đến hiện tại, trong số hơn 2.000 người dân không còn được hưởng chính sách bảo hiểm y tế, mới chỉ có trên 590 người mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Về phía học sinh, cũng khó khăn không ít. Tại Trường Tiểu học xã Núa Ngam, gần 100 học sinh 4 bản Huổi Hua, Tin Lán, Na Sang 1, Na Sang 2 - những bản xa, đường xấu, khó có thể đi về trong buổi, trong ngày (trước các em ăn, ở bán trú tại trường) không còn được hỗ trợ gạo và tiền ăn hàng tháng. Trong đó Huổi Hua, Tin Lán là bản đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện, nhiều em là con hộ nghèo, cận nghèo, bố mẹ không có khả năng đưa đón hàng ngày và cũng không có khả năng nộp tiền ăn hàng tháng để các em ở lại trường.

Cô Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Ban đầu Nhà trường dự kiến nhiều phương án, kêu gọi hỗ trợ từ 1 tổ chức dưới Hà Nội để đảm bảo cho các con vẫn có thể ăn ở bán trú tại trường nhưng không được. Rất may, học sinh nhà trường vẫn được Quỹ Trò nghèo vùng cao hỗ trợ ăn trưa. Vì vậy Trường đã xin ý kiến và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đồng ý mở lớp ghép, đưa học sinh lớp 1 - 4 các bản xa về học tại điểm bản. Còn hơn 30 học sinh lớp 5 cuối cấp thì vẫn về trường trung tâm theo học, trong đó có 22 em ngủ lại trường. Nhà trường và phụ huynh cùng gánh vác, phân công thầy cô chăm sóc, trông nom các em, người làm bếp thay nhau nấu giúp bữa tối, phụ huynh đóng 8.000 đồng/bữa ăn tối và 2.000 đồng/bữa ăn sáng cho con. Tuy nhiên, Trường vẫn có khoảng 10 em (chủ yếu thuộc bản đặc biệt khó khăn) xin chuyển trường học nhờ xã khác, để được hưởng các chế độ, chính sách như trước. Đến nay nhờ các biện pháp triển khai, không còn phụ huynh tâm tư, có ý định chuyển trường cho con, học sinh đến trường đầy đủ, công tác dạy và học không không bị xáo trộn”.

Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều xã từ khu vực III lên khu vực I. Thực tế có 2 luồng ý kiến tại các địa phương này. Có người cho rằng “xã hội đi lên, đời sống đi lên, Nhà nước không hỗ trợ những khoản ấy nữa thì mình tự lo” nhưng cũng có nhiều người dân tâm tư “dân còn nghèo, còn khó, cắt giảm chế độ chính sách thì càng thêm khó chồng khó”. Ông Lý A Súa, trưởng bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cũng chia sẻ: “Tát Hẹ là bản vùng cao, đặc biệt khó khăn, còn gần 80% hộ nghèo, nhưng xã lên khu vực I nên một số chính sách bị cắt giảm, như chế độ bán trú cho học sinh. Nhiều gia đình khó duy trì cho con đến trường. Vì vậy không ít phụ huynh chuyển trường cho con đi học nhờ xã khác. Mong rằng chính sách hợp lý hơn, dù các cháu đi học ở đâu cũng được hưởng đúng, đủ chế độ”.

Mục đích của việc phân định đơn vị hành chính cấp xã theo trình độ phát triển là cơ sở cho việc hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Nhưng những thay đổi lớn khiến người dân còn lúng túng, chưa thích ứng, chưa đồng thuận có thể làm xáo trộn địa bàn, xáo trộn đời sống người dân. Vì vậy cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực tuyên truyền, nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861. Từ đó báo cáo các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình, đặc thù của địa phương. Qua đó tạo đồng thuận cao trong nhân dân, mới có thể đưa chính sách vào hiện thực cuộc sống, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi trong giai đoạn mới.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top