“Giữ chân” cán bộ gắn bó với công việc

09:44 - Chủ Nhật, 14/01/2024 Lượt xem: 2599 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, làn sóng công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở các thành phố lớn. Tại tỉnh ta, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển công tác tuy không nhiều như các địa phương khác nhưng cũng cần có giải pháp để “giữ chân” đội ngũ cán bộ gắn bó lâu dài với công việc.

Tính đến hết tháng 11/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) khối chính quyền cấp tỉnh, huyện là gần 21.680 người. Trong đó, công chức 1.930 người, viên chức 19.748 người, so với biên chế được giao năm 2023 còn thiếu 1.159 người. Số lượng CCVC còn thiếu, cùng với đó là tình trạng một số cán bộ thôi việc, bỏ việc, chuyển công tác đã gây khó khăn nhất định cho các cơ quan, đơn vị trong việc phân công công việc, thực hiện nhiệm vụ.

Thống kê của Sở Nội vụ cho thấy, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 24 CC, 338 VC thuộc các cơ quan tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp tỉnh xin thôi việc, bỏ việc, chuyển công tác. Số lượng trên chưa bao gồm người thôi việc theo diện tinh giản biên chế, thôi việc do không đủ tuổi tái cử, nghỉ việc để chuyển công tác về các cơ quan, đơn vị, địa phương khác trong cùng khối đảng, đoàn thể, chính quyền cả nước. CCVC thôi việc, bỏ việc, chuyển công tác chủ yếu thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Trong đó, một số trường hợp là lãnh đạo quản lý, có trình độ chuyên môn cao như: Tiến sĩ, chuyên khoa I, thạc sĩ, chuyên khoa II.

Theo ông Hoàng Ngọc Liên, Trưởng phòng CCVC (Sở Nội vụ), nguyên nhân khiến nhiều CCVC xin nghỉ việc, chuyển công tác là do yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao, khối lượng công việc ngày càng nhiều, quy trình thủ tục chặt chẽ, thời gian giải quyết công việc rút ngắn trong khi biên chế CCVC liên tục bị cắt giảm dẫn tới áp lực công việc gia tăng.

Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút đủ mạnh để cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đến công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn; thu nhập của đội ngũ cán bộ, CCVC còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống trong bối cảnh cạnh tranh thu hút từ khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài tỉnh ngày càng gia tăng...

Cũng theo ông Liên, số lượng CCVC thôi việc, bỏ việc, chuyển công tác trên địa bàn tỉnh dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số biên chế CCVC của tỉnh nhưng cũng gây ra khó khăn nhất định cho các cơ quan, đơn vị trong việc phân công nhiệm vụ, bố trí sắp xếp lại nhân sự; phát sinh thêm chi phí cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CCVC. Một số trường hợp cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong việc thu hồi kinh phí đào tạo do cán bộ CCVC được cử đi đào tạo nhưng thôi việc, bỏ việc, không công tác đủ thời gian cam kết.

Để giữ chân đội ngũ cán bộ, CCVC gắn bó, làm việc lâu dài trên địa bàn, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng chođội ngũ CCVC nhằm ổn định công tác cán bộ, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.

Song song với đó, các chế độ chính sách cho cán bộ, CCVC được chi trả đầy đủ, đúng quy định. Đội ngũ CCVC công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng các chính sách như: Phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm; phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu. Đối với CCVC có hoàn cảnh khó khăn, các cơ quan, đơn vị còn phối hợp với tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội có hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi động viên kịp thời giúp họ vượt qua khó khăn, yên tâm công tác...

Để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ tốt nghiệp sau đại học trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mức thu hút đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, huấn luyện viên cao cấp, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, tiến sĩ, chuyên khoa cấp II về làm việc tại các cơ quan, đơn vị tỉnh được hưởng từ 150 - 450 triệu đồng (tăng từ 2,31 đến 3,47 lần so với quy định cũ). Đối với hỗ trợ tốt nghiệp sau đại học, mức hỗ dành cho thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, tiến sĩ, chuyên khoa cấp II được từ 35 - 55 triệu đồng (tăng từ 1,3 đến 1,48 lần so với quy định cũ).

Chính sách mới đã khắc phục những tồn tại, hạn chế trước đây, giúp gia tăng cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đến công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và hỗ trợ tốt hơn cho CCVC được cử đi đào tạo sau đại học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC của tỉnh.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top