Bác sỹ về bản

14:52 - Thứ Năm, 23/06/2016 Lượt xem: 6891 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, đến nay, ngành Y tế huyện Tủa Chùa đã cử nhiều bác sỹ từ Trung tâm y tế huyện về 10 xã vùng cao để khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc. Trong điều kiện xa xôi, cách trở, khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng bác sỹ nơi đây vẫn kiên trì bám bản, khám và điều trị cho bệnh nhân.

 

Bác sỹ Trần Duy Hưng khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa.

Xác định tầm quan trọng của y tế cơ sở, những năm qua huyện Tủa Chùa đã chú trọng đến mạng lưới y tế tuyến xã, phường, thị trấn, đặc biệt là việc thực hiện chủ trương đưa bác sỹ về xã nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Thực tế cho thấy, những trạm y tế có bác sỹ công tác thì việc sơ cứu, cấp cứu các trường hợp rủi ro do tai nạn lao động, dịch bệnh, tai biến sản khoa... được kịp thời, giảm thiểu tình trạng tử vong. Ngoài việc thực hiện khám và điều trị, bác sỹ tuyến xã còn dành thời gian và công sức cho công tác y tế dự phòng và truyền thông giáo dục sức khỏe. Cái khó đối với mỗi bác sỹ về công tác tại các trạm y tế xã nữa là, chưa quen thuộc địa hình, ở nhiều nơi bà con vẫn chưa có thói quen đến trạm y tế khám, chữa bệnh. Chính vì vậy, ngoài giờ làm việc tại trạm có bác sỹ phải tranh thủ xuống các bản tuyên truyền vận động, người dân. Ông Điêu Chính Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, cho biết: Để việc tăng cường các bác sỹ về tuyến  xã, ngành Y tế huyện tranh thủ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị y tế, đồng thời vận dụng linh hoạt cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để các bác sỹ an tâm công tác. Trong cơ chế hiện nay, các bác sỹ được đào tạo chính quy thường không muốn về công tác tại cơ sở vì ít nhiều có phần thiệt thòi. Để việc đưa bác sỹ về tuyến xã ngày càng hiệu quả cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chính quyền huyện và cơ sở phải chủ động trong công tác đào tạo bác sỹ tuyến dưới hướng tới các đối tượng là người địa phương. Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, học xong phải trở về địa phương và đơn vị cũ công tác theo cam kết (có thời hạn)… từ đó, những bác sỹ cắm bản mới có thể yên tâm công tác.

Nằm giáp sông Đà, Trạm Y tế Huổi Só nằm chênh vênh trên sườn núi, quanh năm mờ mịt sương mù bao phủ. Huổi Só là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất với địa hình đồi núi cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Toàn xã có 472 hộ với trên 2.700 nhân khẩu đều ở rải rác trên các sườn núi cao, trình độ dân trí thấp, 79% hộ thuộc diện nghèo, kéo theo đó là những mặt hạn chế về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ như: nuôi thả gia súc gần nhà, ăn ở mất vệ sinh, bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, không chịu đến cơ sở y tế khám chữa bệnh… Đầu năm 2016, bác sỹ Trần Duy Hưng (quê Nghệ An) được Trung tâm y tế huyện tăng cường về Trạm Y tế xã Huổi Só. Những ngày mới về công tác tại xã, bác sỹ Hưng gặp không ít khó khăn do chưa thông thạo địa hình, đồng bào Dao nơi đây còn tin vào thầy cúng. Đau ốm thì giết trâu, cúng đuổi con ma ra khỏi nhà chứ không mấy ai đến trạm y tế. Phải mất nhiều lần lặn lội đến từng thôn, bản trực tiếp tuyên truyền và chữa khỏi bao ca bệnh nặng, mới khiến cho đồng bào tin và bảo nhau đến Trạm Y tế khám điều trị. Tháng 6 là thời điểm thường phát sinh nhiều loại bệnh dịch như: Tiêu chảy, thuỷ đậu, bệnh sốt xuất huyết... do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Đây cũng là lúc các bác sỹ, y sỹ tuyến cơ sở lại bận rộn hơn bởi lượng người tới khám, điều trị cao. “Trước đây, khi bà con có bệnh thầy cúng thường bảo do con ma rừng nó bắt. Chỉ khi đến trạm y tế xã, được bác sĩ khám và điều trị đúng cách, bà con mới khỏi ốm. Bây giờ thì tôi biết rồi, chẳng có con ma nào cả. Đến đây, có bác sỹ khám bệnh, cho thuốc uống, tôi thấy không còn đau ốm nữa. Từ nay, bà con chúng tôi có bệnh thì đến trạm y tế, không còn tin và nghe theo lời thầy cúng nữa”... đó là lời tâm sự của bà Phàn Thị Ọi, bản Thôn 2, xã Huổi Só.

Về công tác tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, huyện là mơ ước của hầu hết tất cả những y, bác sỹ song khi gặp người bác sỹ trẻ này, chúng tôi mới nhận thấy, mơ ước đó không hoàn toàn đúng. Bác sỹ Trần Duy Hưng, tâm sự: Nếu y, bác sỹ nào tốt nghiệp ra trường cũng muốn có nơi công tác tốt, thì người dân sinh sống ở những thôn, bản vùng cao biết bao giờ mới có được dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt. Tôi nhận thấy những bác sỹ trẻ cũng cần có thời gian về công tác tại cơ sở. Qua đó, vừa nâng cao được tính chủ động trong hoạt động chuyên môn, vừa chia sẻ khó khăn với người dân nghèo không có điều kiện đến các cơ sở chuyên sâu điều trị… Với suy nghĩ đó, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã tin tưởng, giao cho bác sỹ Hưng công việc khó là luân phiên về xã xa xôi nhất của huyện để góp phần hoàn thành các tiêu chí theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Vì vậy, việc bác sỹ Hưng về tăng cường cho trạm y tế đáp ứng niềm mong mỏi của bà con nơi đây. Từ khi có bác sỹ về, ngoài việc khám chữa bệnh tại trạm y tế, anh còn tích cực vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, phun thuốc phòng bệnh, bảo vệ môi trường, tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình... Không những vậy, bác sỹ Hưng nhiệt tình, lăn lộn với công việc, thường xuyên về bản, nắm phong tục tập quán học tiếng dân tộc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh hiệu quả hơn. Ngoài ra còn chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp kịp thời và tham mưu cho UBND xã về chăm sóc sức khoẻ, giám sát dịch bệnh, triển khai phương án phòng dịch và báo cáo lên tuyến trên.

Gần dân, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… những y, bác sỹ “cắm” xã như bác sỹ Trần Duy Hưng luôn được bà con quý mến. Và chính tình cảm, lòng yêu nghề đó đã “giữ chân” họ ở lại với các thôn, bản vùng cao.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top