Cảnh báo nhiễm khuẩn bệnh viện

14:21 - Thứ Ba, 26/07/2016 Lượt xem: 3248 In bài viết
Không chỉ làm tăng chi phí điều trị lên gần gấp 3 lần, tăng tỷ lệ lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện còn kéo dài thời gian điều trị lên 2,5 lần. Không những vậy, nhiễm khuẩn bệnh viện còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, tăng nguy cơ tử vong. Trong khi đó, công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện còn nhiều bất cập, ý thức giữ gìn vệ sinh trong bệnh viện còn kém, ngay cả bác sĩ vẫn còn chưa chịu rửa tay…

100 người mổ, 10 người bị nhiễm khuẩn

Tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 mới đây, bác sĩ Hoàng Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), lo lắng vì tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đang ngày càng gia tăng và dẫn đến nhiều hệ lụy cả về kinh tế lẫn tính mạng. Theo bác sĩ Hoàng, qua nghiên cứu trên 9.345 bệnh nhân của 10 bệnh viện thuộc Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%. Còn một nghiên cứu của Sở Y tế TPHCM trên tất cả các bệnh viện công lập trực thuộc cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn - 6,4%. Điều đáng nói, trong số các bệnh dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện phải kể đến hàng đầu là viêm phổi (54,3%), kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%) và đối với bệnh nhân phải mổ thì 10% bị nhiễm trùng vết mổ.

 

Bệnh nhân nằm viện có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện có xu hướng phức tạp và gia tăng, trong đó một phần do sự quá tải bệnh nhân nghiêm trọng, Nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, tình trạng nhiễm trùng vết mổ có nguyên nhân do nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp nhất ở bệnh nhân có kèm viêm phổi (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%). “Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2,4 lần so với người được điều trị nội khoa”, TS Lê Thị Anh Thư, Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện TPHCM, nhìn nhận. Tình trạng “mất vệ sinh” ở bệnh viện cũng được Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM ghi nhận khi thu thập 33 mẫu không khí tại 13 bệnh viện ở TPHCM thì có đến 26 mẫu cho lượng vi sinh cao hơn mức quy định khoảng 6 lần, hàm lượng vi sinh vật có trong không khí không đạt tiêu chuẩn là 78,8%... Các bệnh viện càng ở tuyến trên, nhất là tuyến trung ương, thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện càng cao.

Tình trạng nói trên đã khiến khả năng kháng thuốc, nhất là kháng kháng sinh, xảy ra ở nhiều nhóm bệnh. Một khảo sát của Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễm khuẩn bệnh viện làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 - 24,3 ngày, tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng/bệnh nhân.

Nhiều bất cập

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhìn nhận nhiễm khuẩn bệnh viện đang trở thành nguyên nhân chính gây nên tình trạng đa kháng thuốc của các loại vi khuẩn, kéo dài thời gian điều trị, gia tăng chi phí y tế, tăng tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Theo Bộ Y tế, hiện nay để điều trị bệnh, các bác sĩ không chỉ dùng một mà phải phối hợp nhiều loại kháng sinh nên tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên, như vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và 4. Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa hồi sức tích cực từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tới 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% - 99,5%. “Nước Mỹ mới phát hiện 2 bệnh nhân kháng hoàn toàn các loại kháng sinh mà đã ồn ào lo lắng, còn ở Việt Nam chắc chắn nhiều hơn”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, không thể phủ nhận nhiễm khuẩn bệnh viện đang gây ra nhiều hệ lụy, gánh nặng cho người bệnh, nhưng công tác phòng ngừa còn quá nhiều bất cập. Trong đó, tình trạng quá tải bệnh viện chưa được giải quyết đang là mối lo lớn. “Vụ sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong, trong đó nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác khi đang điều trị tại bệnh viện. Nguyên nhân chung quy là do quá tải trầm trọng và công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa tốt”, một chuyên gia y tế dẫn chứng.

Ngay cả y, bác sĩ cũng chưa ý thức phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, ngay cả việc rửa tay. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, trong môi trường bệnh viện, trên mỗi cm² bàn tay có thể chứa tới 4,6 triệu vi khuẩn. “Vệ sinh tay được xem là “thuốc kháng sinh” để chống nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, giảm nhiễm trùng cho người bệnh trong quá trình chăm sóc y tế. Nhưng lại trở nên vô cùng khó khăn đối với y bác sĩ chỉ vì… lười!”, TS-BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, ngao ngán. TS Thanh Hà cho hay tỷ lệ tuân thủ quy trình rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh tại các bệnh viện mới chỉ đạt khoảng 60%. Thách thức lớn nhất của ngành nhiễm khuẩn hiện nay chính là nguồn nhân lực chưa được chú trọng, cả nước chỉ có duy nhất Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có bộ môn Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân sự đào tạo chưa nhiều nên chưa đủ đáp ứng. Các chuyên gia y tế cũng nhìn nhận một số người đứng đầu bệnh viện chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Bên cạnh đó, nguồn lực còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí chưa được tính đúng, tính đủ…

Cả nước còn tới 20,8% bệnh viện quy mô trên 150 giường chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 33% bệnh viện đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chưa bổ nhiệm trưởng khoa; gần 20% lãnh đạo khoa/tổ kiểm soát nhiễm khuẩn chỉ có trình độ trung cấp và sơ học.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top