Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh

Nơi gửi gắm niềm tin

08:43 - Thứ Năm, 23/02/2017 Lượt xem: 5451 In bài viết
ĐBP - “Những người thầy thuốc ở bệnh viện chúng tôi luôn một lòng yêu nghề và xác định phải đặt vấn đề trách nhiệm, tinh thần thiện nguyện lên hàng đầu. Có như vậy, chúng tôi mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu khám, điều trị cho các bệnh nhân” - Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Quang Hải, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh chia sẻ như vậy.

Cuộc trò chuyện với Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Quang Hải, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, đã giúp chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn, vất vả trong công việc của các y, bác sỹ ở đây. Bởi hằng ngày họ phải trực tiếp tiếp xúc với các bệnh nhân mắc lao, nếu như không thực hiện tốt quy chế phòng chống lây nhiễm thì nguy cơ lây bệnh là rất cao. Được biết, một số bệnh viện lao ở các tỉnh, thành khác đã có nhiều trường hợp bác sỹ lây bệnh từ các bệnh nhân do chính mình điều trị. Đặc biệt, có bác sỹ còn bị lây nhiễm cả thể lao kháng thuốc.

 

Các y, bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám cho bệnh nhân tại phòng cấp cứu.

Chính vì điều này mà ngay từ những ngày đầu khi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh mới đi vào hoạt động (6/2006), đã gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực; nhiều cán bộ, y, bác sỹ không muốn về công tác tại bệnh viện. Những năm gần đây, nhờ sự trưởng thành của bệnh viện; qua quá trình làm việc, hoạt động của bộ máy lãnh đạo, nhiều y, bác sỹ đã có xu hướng muốn xin về bệnh viện để công tác. Trong năm 2016, đơn vị tiếp nhận 3 bác sỹ có thâm niên công tác từ nơi khác chuyển về đây là tín hiệu vui đối với Bệnh viện.

Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm các khoa, phòng, Giám đốc Đỗ Quang Hải tự tin nói: “Nhà báo phải đến tận nơi như thế này mới cảm nhận được sự gần gũi giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Nhất là tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ”. Quả thật, tại mỗi buồng bệnh, mỗi phòng khám chúng tôi đều nhận thấy sự tâm huyết, tận tình, niềm nở của các thầy thuốc; sự lạc quan, phấn khởi của mỗi bệnh nhân. Biết chúng tôi là nhà báo, một bệnh nhân nữ đã có tuổi, nhanh nhảu nói: “Ở đây, giữa chúng tôi và thầy thuốc không có khoảng cách, không có sự kỳ thị. Ngoài việc được tư vấn, điều trị, chúng tôi còn được động viên cả tinh thần. Dù nằm viện điều trị nhưng chúng tôi thấy rất yên tâm và thoải mái”. Còn chị Lò Thị Đay, đội 1, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, người nhà một bệnh nhân cho biết: “Chồng tôi điều trị ở đây luôn được các y, bác sỹ quan tâm, chăm sóc. Chính các bác sỹ là người động viên, giúp chồng tôi vượt qua mặc cảm bệnh tật. Vợ chồng tôi đánh giá rất cao cái tâm, cái đức của những người thầy thuốc ở đây”.

Có thể nói, để xây dựng được hình ảnh người thầy thuốc trong lòng bệnh nhân là cả một quá trình nỗ lực, cống hiến của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ. Ở mỗi lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì sự cống hiến, vất vả của mỗi thầy thuốc cũng khác nhau. Đối với các thầy thuốc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, công việc của họ luôn ở trong môi trường độc hại, luôn phải đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân. Mặc dù điều kiện công việc còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn âm thầm, lặng lẽ, vẫn tận tụy chăm sóc cho bệnh nhân như chăm sóc chính những người thân yêu của mình.

 

Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao bằng kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử (GeneXpert).

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thành lập tháng 6/2006 với quy mô ban đầu 30 giường bệnh, gồm 20 cán bộ công chức viên chức, 2 phòng chức năng, 3 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, do Bác sỹ Đỗ Quang Hải làm Giám đốc từ đó đến nay. Sau hơn 10 năm hoạt động, hiện tại, Bệnh viện có 50 giường bệnh, với 47 cán bộ (trong đó 13 bác sỹ). Ngoài việc thu dung điều trị bệnh nhân nội trú, ngoại trú, bệnh viện thực hiện chương trình phòng chống lao tại cộng đồng và khám, điều trị cho cả các bệnh nhân đến từ 3 tỉnh Bắc Lào. Sau hơn 10 năm phục vụ, bệnh viện cơ bản đáp ứng được công tác khám, chữa bệnh của người dân địa phương và nhận được nhiều thư khen ngợi về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ. Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Quang Hải, cho biết thêm: Mặc dù công việc vất vả nhưng thu nhập thêm của các y, bác sỹ không có. Trong khi đó, trang bị phòng chống lây nhiễm cho cá nhân như khẩu trang, áo choàng... còn thiếu, các bác sỹ vẫn phải tự trang bị cho mình. Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn còn một số khó khăn: công tác nhiễm khuẩn chưa đồng bộ; khu nguy cơ lây nhiễm cao chưa cách ly toàn diện, đặc biệt là lao kháng thuốc và lao HIV.

Theo điều tra, nghiên cứu gần đây nhất, tại tỉnh ta, tỷ lệ mắc lao phổi dương tính bình quân là 117 ca/100.000 dân, tương đương gần 600 ca mắc lao phổi dương tính mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện lao phổi dương tính chỉ đạt 100 ca/năm. Đối với các thể lao khác như: lao hạch, lao xương, lao khớp, lao màng não... theo nghiên cứu trên thực tế cũng khoảng 600 ca mắc/năm, nhưng trung bình chỉ phát hiện được 120 ca/năm. Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao được phát hiện còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Làm thế nào để phát hiện thêm nhiều hơn nữa các bệnh nhân mắc lao đang là trăn trở của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Đối với các thầy thuốc ở đây, mỗi bệnh nhân lao được phát hiện, được tư vấn, điều trị lành bệnh là một niềm vui, là động lực giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại trong công việc để làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người thầy thuốc. Được tìm hiểu và tận mắt chứng kiến công việc hàng ngày của các y, bác sỹ trong Bệnh viện, chúng tôi lại càng chia sẻ và trân trọng hơn những người thầy thuốc đã hết lòng chữa bệnh cứu người. Qua đây, chúng tôi đã hiểu tại sao Giám đốc Đỗ Quang Hải lại nói: “Những người thầy thuốc ở Bệnh viện chúng tôi luôn một lòng yêu nghề và xác định phải đặt vấn đề trách nhiệm, tinh thần thiện nguyện lên hàng đầu”.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top