Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân:

Mục tiêu nhiều thách thức

15:20 - Thứ Tư, 22/03/2017 Lượt xem: 5840 In bài viết
Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ 68,8% (cuối năm 2013) đã tăng lên 82% trong tổng dân số tính đến hết tháng 2-2017, vượt chỉ tiêu 80% Quốc hội đề ra vào năm 2020. Song thực tế cho thấy, để duy trì tính bền vững, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân như Luật BHYT đề ra là một thách thức lớn, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và chính người dân.

Vượt tuyến quá mức

Thời gian qua, thực hiện quy định về thông tuyến trong khám chữa bệnh, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng. Việc thông tuyến không chỉ tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và có cơ hội lựa chọn gói dịch vụ tốt, mà còn tạo thuận lợi cho các trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ nơi này sang nơi khác hoặc người về hưu thay đổi nơi cư trú. Với quy định này, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; ở xã đảo, huyện đảo được khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương không cần giấy chuyển viện. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các quy định của Luật BHYT thực sự đã đi vào cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

 

Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế xã Yên Trung (huyện Thạch Thất).

Tuy nhiên, quá trình triển khai thông tuyến bên cạnh ưu điểm còn bộc lộ những hạn chế, trong đó có tình trạng vượt tuyến quá mức. Ông Uông Đình Uyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cho biết: “Trong khi mỗi đơn thuốc của tuyến dưới chỉ được phép chi 100.000 - 200.000 đồng thì bệnh viện tuyến trên mạnh tay chi gấp 10 lần. Đương nhiên, bệnh nhân thích lên tuyến trên. Hệ quả là chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Bệnh viện tuyến dưới đã nghèo, lại phải chi tiền BHYT cho tuyến trên”. Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Thạch Thất cùng chung nỗi niềm cho biết, năm 2016, hai bệnh viện này đều chi vượt trần, vượt quỹ BHYT. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên và nhiều địa phương khác đều có hiện tượng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi cũng lên bệnh viện tuyến trung ương.

Gánh nặng nêu trên khiến quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối. Vì vậy, đẩy nhanh BHYT toàn dân là một chính sách có ý nghĩa an sinh quan trọng, nhằm đạt được sự sẻ chia giữa người mạnh khỏe với người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi.

Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho rằng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT sẽ cao hơn nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ông Hòa dẫn chứng tại Hà Nội, dù 3 huyện cạnh nhau là Mỹ Đức, Thanh Oai và Ứng Hòa, nhưng tỷ lệ tham gia BHYT khác nhau. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, huyện Ứng Hòa có trên 90% người dân tham gia BHYT. Hai huyện còn lại đạt tỷ lệ rất thấp, cho thấy sự thiếu quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ông Nguyễn Đức Hòa cũng nêu thêm thực tế nhiều đại lý bán BHYT chưa mặn mà với công tác tuyên truyền. Muốn nhiều người mua BHYT phải đến từng nhà, nhưng hiện các đoàn thể ở địa phương có tư tưởng thụ động “chờ dân đến”, ai cần thì mua. “Thậm chí có phường ở quận Hoàng Mai, khi người dân đến mua BHYT còn bắt công chứng cả sổ hộ khẩu. Như thế là làm khó người dân” - ông Hòa nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, nhiều người dân mua BHYT chưa bao giờ đi khám bệnh nếu chưa bị bệnh nên không thấy tác dụng thiết thực của BHYT trong quản lý, theo dõi sức khỏe. Đáng quan tâm hơn, một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, chỉ đến khi có bệnh, vào viện mới “chạy” mua để được thanh toán BHYT. Trong khi đây là đối tượng chiếm số đông ở cộng đồng và cần được vận động tham gia.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Để đạt mục tiêu bền vững, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, trước hết là vận động cán bộ công chức, viên chức gương mẫu tham gia BHYT cho thành viên còn lại trong gia đình. Trách nhiệm của nhà trường, chính quyền địa phương… cần được thể hiện rõ hơn. Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố cần phối hợp nghiên cứu cơ chế quản lý, đầu tư vực dậy các trạm y tế xã, coi y tế xã là nơi kiểm soát bệnh đầu tiên. Từ kết quả chăm sóc sức khỏe ban đầu, cán bộ y tế xã có thể đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đây là tiền đề để kiểm soát được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, phát hiện được các trường hợp bất hợp lý, phát triển y tế xã và việc thông tuyến đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top