Mong cho những “mầm non” chào đời và khỏe mạnh

09:30 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 4879 In bài viết
ĐBP - Tính riêng 9 tháng năm 2017, Ðiện Biên có tới 453 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong đó 381 trường hợp là trẻ dưới 1 tuổi. Tình trạng này không phải bất thường đối với địa bàn vùng cao như tỉnh ta mặc dù tỷ lệ đã giảm dần qua từng năm nhưng vẫn là con số đáng báo động. Qua đây có thể thấy “cuộc chiến” đẩy lùi hủ tục, nâng cao dân trí, kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn vẫn còn gian nan…

Nậm Pồ là huyện có tỷ suất trẻ dưới 5 tuổi tử vong cao nhất tỉnh với 142 trẻ tử vong, chiếm 86%o (theo số liệu mới nhất 10 tháng đầu năm 2017). Trung tuần tháng 10, chúng tôi đến Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, gặp anh Cu A Sèng, xã Na Cô Sa đang chăm sóc con nhỏ với vẻ mặt buồn bã. Ðứa nhỏ khò khè thở qua ống thở. Ðã 9 tháng tuổi nhưng cân nặng của cháu chưa đến 5kg. Nhìn con lả đi trong vòng tay, anh Sèng kìm nén cho biết: Mấy hôm trước cháu bị sốt nhưng gia đình chủ quan nghĩ là chỉ ốm nhẹ. Tôi đi làm nương 3 ngày mới về thì thấy con sốt cao quá liền đưa cháu vào trung tâm y tế. Ðược chẩn đoán viêm phổi nặng, sức đề kháng lại yếu do suy dinh dưỡng, cơ thể cháu không tiếp nhận được các phương thuốc điều trị nữa nên không còn hy vọng. Gia đình tôi đang chuẩn bị đưa cháu về nhà.

 

Cán bộ y tế xã Lay Nưa, TX. Mường Lay tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho người dân bản Hô Huổi Luông.

Xếp tiếp sau Nậm Pồ về con số gây xót lòng trên là huyện Ðiện Biên Ðông với gần 70 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Chị Thào Thị Día, xã Phì Nhừ chưa tròn 30 tuổi đã trải qua 4 lần sinh nở. Năm 2015, không may người con thứ 3 của vợ chồng chị sinh ra được 6 tháng thì qua đời. Ðau xót hơn, mới đây, người con thứ 4 chào đời vừa tròn 1 tháng cũng bị bệnh nặng tử vong. Nguyên nhân của việc đau lòng này là dù nhà anh chị cách trạm y tế xã không xa nhưng mỗi lần “vượt cạn” chị đều ở tại nhà, nhờ người thân đỡ đẻ, con ốm cũng không đưa đi khám, chữa bệnh. Vẻ mặt buồn rầu, anh Sùng Sống Dia, chồng chị Día kể lại: Mỗi khi con ốm, gia đình tự chăm sóc theo bài thuốc dân gian, cán bộ y tế xã cũng vận động nhiều lần nhưng 2 đứa con đầu vẫn lớn mà không cần uống thuốc nên chúng tôi cứ theo kinh nghiệm mà chăm con thôi! Ðến lúc con bệnh nặng, nhân viên y tế đến tận nhà thăm khám, khuyên bảo, chúng tôi mới đưa đến trạm y tế theo dõi, điều trị nhưng bác sĩ bảo đứa bé bị viêm phổi cấp quá nặng, thể trạng non nớt, yếu không còn cứu chữa được.

Qua các trường hợp trên, có thể thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ dưới 5 tuổi tử vong là do nhiều gia đình không chú ý đến những biểu hiện khác thường của trẻ, khi trẻ ốm sốt, không đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị mà tự chữa tại nhà. Hoặc khi đưa đến bệnh viện thì đã quá nặng không còn hy vọng cứu sống. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác, đó là việc theo dõi sức khỏe bà mẹ mang thai không được quan tâm, tỷ lệ suy dinh dưỡng khi mang thai còn cao; sinh con tại nhà còn nhiều, cũng vì thế mà các dị tật bẩm sinh không được phát hiện; nhiều trẻ sơ sinh không được đảm bảo dinh dưỡng và đủ ấm vào mùa đông. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Trong số trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên toàn tỉnh thì có đến 55,4% trường hợp tử vong tại nhà và trên đường vận chuyển đến cơ sở y tế. Ngoài những nguyên nhân trên thì vấn đề chính là do nhận thức của người dân còn hạn chế, chủ quan và mê tín dị đoan”. Một số địa bàn, người dân vẫn duy trì cúng bái, “làm lý”, kiêng kị phức tạp khi có phụ nữ sinh nở nên cán bộ y tế khó nắm tình hình và có biết cũng gặp nhiều khó khăn để tiếp cận, vận động. Mặc dù vậy vẫn cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của cán bộ y tế đối với cộng đồng khi số trẻ tử vong còn ở mức cao như vậy. Bởi hầu hết các xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoạt động với đội ngũ cán bộ cơ bản đủ đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đồng thời tại các thôn, bản đều có đội ngũ nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản.

Trước tình hình đáng báo động này, đầu tháng 10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh trên địa bàn. Trong đó yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức nhằm chuyển đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, phòng, chống các tai biến sản khoa và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thăm khám, điều trị cho bà mẹ và trẻ em. Ðặc biệt, đối với Sở Y tế cần tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến cơ sở; tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyên môn sản, nhi khoa cho y tế tuyến cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cấp cứu sản khoa, nhi khoa...

Ðã có sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, rõ ràng của UBND tỉnh, giờ cần thêm sự vào cuộc tham gia kịp thời, trách nhiệm, nhiệt tình của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, đoàn thể và cả các cá nhân ở những địa bàn “nóng” về vấn đề trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Có như vậy thì những câu chuyện buồn, những con số đau lòng, đáng tiếc về bà mẹ mang thai và trẻ em mới không lặp lại.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top