Những y, bác sĩ trực tết vùng cao

08:26 - Thứ Hai, 12/02/2018 Lượt xem: 6423 In bài viết
ĐBP - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đến thăm Phòng khám Ða khoa Quân dân y khu vực Ba Chà, thuộc bản Mới, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ), chúng tôi được gặp các y, bác sĩ tuổi đời còn khá trẻ, nhưng đã có nhiều năm công tác xa nhà và trực tết ở vùng cao. Qua trò chuyện, chúng tôi mới thấu hiểu những cống hiến thầm lặng của các y, bác sĩ nơi đây; họ hy sinh những ngày tết sum vầy, đầm ấm bên gia đình để hoàn thành sự nghiệp y tế vùng cao. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, 25 tuổi, là cán bộ trẻ nhất tại Phòng khám Ða khoa Quân dân y khu vực Ba Chà. Công tác ở phòng khám đã 3 năm, cũng là 3 năm bác sĩ Hoa tình nguyện ở lại trực tết. Ðồng nghĩa với việc, chị không về đón tết với gia đình ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, mà đón những cái tết giản đơn, mộc mạc ở vùng cao với đồng nghiệp và bệnh nhân ở phòng khám.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Hoa cho biết: “Năm 2015, sau khi ra trường tôi được phân công công tác tại Phòng khám Ða khoa Quân dân y khu vực Ba Chà. Ðây cũng là lần đầu tiên tôi lên vùng cao, nhìn thấy những bản làng heo hút, vắng vẻ và thiếu thốn đủ thứ, tôi nản lòng lắm! Năm đầu trực tết, người nhà gọi điện hỏi thăm là tôi lại khóc vì nhớ nhà. Song được sự động viên của các đồng nghiệp và sự quan tâm của bà con địa phương, tôi đã dần quen với cuộc sống ở vùng cao. Vì chưa lập gia đình nên tôi tiếp tục tình nguyện ở lại phòng khám trực tết để các đồng nghiệp được về đón tết với gia đình”.

Giấu đi nỗi nhớ nhà khôn nguôi, mỗi dịp tết xa nhà, bác sĩ Hoa chỉ được xem những hình ảnh ngày tết quê hương qua màn ảnh nhỏ. Bù lại, chị và các bác sĩ ở lại trực tết cũng tổ chức đón tết giản đơn tại phòng khám bằng một cành đào rừng nho nhỏ gắn trên bàn khám bệnh; vài chiếc bánh chưng tự gói và một ít mứt tết tự làm. “Vì ngày tết ở phòng khám lúc nào cũng có từ 15 - 20 bệnh nhân nội trú nên chúng tôi tranh thủ đón tết và không quên đi thăm, khám, chúc tết từng bệnh nhân. Chỉ bằng những cái bắt tay, chúc nhau sức khỏe, cùng ăn bánh chưng, mứt tết là chúng tôi và các bệnh nhân cũng thấy ấm lòng” - bác sĩ Hoa chia sẻ thêm.

Năm nay, bác sĩ Lò Ngọc Chinh, Phòng khám Ða khoa Quân dân y khu vực Ba Chà cũng ở lại trực tết. Là người có “thâm niên” 15 năm “trực chiến” ở phòng khám, anh Chinh dường như đã quen với việc xa gia đình. Ðể hy sinh khoảng thời gian quý giá đoàn tụ với người thân trong dịp tết, bản thân anh Chinh cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều; làm sao để củng cố niềm tin với vợ con khi xa nhà, mà vẫn làm tốt nhiệm vụ được giao mới là điều quan trọng nhất.

Bác sĩ Chinh đã lập gia đình được 10 năm và hiện có 2 con. Tuy vợ chồng anh đều sinh sống ở bản Mới, xã Chà Cang nhưng dịp tết hàng năm, vợ con anh đều về đón tết với gia đình nhà chồng tại xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên), còn anh Chinh thì ở lại trực tết. Và chỉ khi kỳ nghỉ tết kết thúc, anh Chinh mới tranh thủ về thăm bố mẹ, rồi đón vợ con lên.  “Năm ngoái tôi ở lại trực tết, các con tôi lại hỏi “Bố có cùng chúng con về đón tết với ông bà không?”, khiến tôi thấy chạnh lòng, nhưng biết sao được, mình chọn nghề và nghề đã chọn mình, đã là một bác sĩ ở vùng cao thì ai cũng phải trực tết xa nhà ít nhất vài năm” - anh Chinh chia sẻ. Câu chuyện với chúng tôi bị gián đoạn vì bác sĩ Chinh phải cấp cứu cho 1 bệnh nhân vừa được đưa vào phòng khám trong tình trạng bất tỉnh do vết thương chảy máu nhiều. Các y, bác sĩ tại phòng khám nhanh chóng băng bó vết thương, truyền máu cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Ðược biết, Phòng khám Ða khoa Quân dân y khu vực Ba Chà phụ trách địa bàn khá rộng, với 40 bản, thuộc 6 xã: Pa Tần, Nậm Tin, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn và Chà Nưa (huyện Nậm Pồ). Ngoài trực tết ở phòng khám, các bác sĩ còn đi bản cấp cứu lưu động khi có trường hợp nguy kịch xảy ra. Bác sĩ Thùng Văn Ðồng, Trưởng Phòng khám Ða khoa Quân dân y khu vực Ba Chà cho biết: “Năm nay phòng khám phân công cho 6 y, bác sĩ thay nhau trực tết. Ngày tết lượng bệnh nhân nội trú và người bệnh đến khám, cấp cứu ít hơn ngày thường, nhưng hầu hết là các trường hợp nguy kịch, như: Say rượu, tai nạn bất tỉnh, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ... Vì vậy, các y, bác sĩ trực tết như trực chiến, có khi phải thức cả đêm để cấp cứu cho bệnh nhân”.

Vẫn biết rằng, đã chọn nghề y thì hiếm có y, bác sĩ nào không phải trực tết; nhưng trực tết ở vùng cao với những bản làng xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và cuộc sống thiếu thốn, lại xa gia đình, thì đó là sự hy sinh lớn lao, ý nghĩa của những y, bác sĩ mà chúng tôi được biết. Những cống hiến của họ đã góp phần đem lại cái tết đầm ấm, trọn vẹn cho người dân vùng cao.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top