Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi từ người chết não

16:25 - Thứ Hai, 19/03/2018 Lượt xem: 5951 In bài viết
Lần đầu tiên ở Việt Nam, ca ghép phổi từ người cho chết não đã thành công. Ca ghép này được thực hiện tại Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 (gọi tắt là BV 108) vào ngày 26-2 vừa qua. Đây cũng là ca ghép phổi người lớn đầu tiên thành công, sau ca ghép phổi từ người sống cho một bệnh nhi của BV 103 năm trước.

Tại cuộc họp báo do BV 108 tổ chức sáng 16-3, ông Trần Ngọc Hanh ( 54 tuổi, ở Nam Định), là bệnh nhân được ghép phổi đã giao lưu trực tuyến với báo giới từ phòng chăm sóc đặc biệt và cho biết, ông đã khỏe hơn rất nhiều so với trước khi mổ, hiện đã tự thở không cần máy móc và tự ăn uống, vận động.

 

Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng chủ trì cuộc họp báo về kết quả ca ghép phổi đầu tiên của VN.

Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV 108 cho biết, bệnh nhân Hanh bị bệnh phổi phế quản tắc nghẽn giai đoạn cuối, thường xuyên phải cấp cứu tại BV, phải thở máy, oxy liên tục, sức khỏe ngày càng suy sụp, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào. Cơ hội duy nhất để bệnh nhân được sống chỉ là ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não với các chỉ số hòa hợp, các bác sĩ BV 108 đã quyết định ghép phổi để cứu ông Hanh.

Đây là một quyết định mang tính dấu ấn không chỉ ở BV 108 mà còn với lĩnh vực ghép tạng Việt Nam. Theo GS. Bàng,  ghép phổi hiện vẫn là một thách thức của y học nước ta vì tính phức tạp, đòi hỏi sự khẩn trương, kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình từ khi có người hiến đến khi ghép. 

Ghép phổi từ người cho sống đã khó, ghép phổi từ người cho chết não còn khó khăn hơn nhiều. Khi ghép ở người cho sống, các bác sĩ có sự chủ động chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Còn khi ghép phổi từ người cho chết não là tình trạng khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn 2 lá phổi và trong thời gian rất ngắn, phải tìm được người cần ghép có các chỉ số phù hợp và tiến hành các kỹ thuật ghép rất phức tạp.

Nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ, ekip phẫu thuật của BV 108 đã khẩn trương hội chẩn các kíp ghép, hội chẩn liên viện, đồng thời, hội chẩn quốc tế với các chuyên gia của BV Foch ở Pháp - Trung tâm ghép tạng hàng đầu châu Âu -nơi đào tạo các phẫu thuật viên cho BV 108.

 

Ca ghép phổi từ người chết não đầu tiên của VN.

TS. Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tim gửi toàn bộ thông tin về người hiến và bệnh nhân ghép cho GS. Ngai LIU - Giám đốc nghiên cứu của BV Foch và BS Pierre Bonnette – chuyên gia ghép phổi của BV Foch. Sau khi hội chẩn, dù đang trong kỳ nghỉ cùng cậu con nhỏ ở cách Paris 900km, BS. Pierre Bonnette đã để con trai ở lại, rồi cùng GS. Ngai LIU bay sang hỗ trợ ca ghép. Là học trò của 2 chuyên gia, lại từng tham gia vào 25 ca ghép tạng ở Pháp nên TS. Ngô Vi Hải đã có kinh nghiệm cần thiết để tự tin trong ca ghép đầu tiên này.

Bs. Hoàng Anh Dũng, chuyên gia ở Bỉ, cho biết: Mặc dù là ca ghép phổi đầu tiên ở BV 108, nhưng do tay nghề của các bác sĩ rất thuần thục, nên chúng tôi chỉ đứng cạnh để tư vấn khi cần, còn lại hầu hết do các bác sĩ tự làm từ đầu đến cuối.

Thiếu tướng, PGS.TS. Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc BV 108 cho biếtđây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần, mà là 1 trường hợp ghép đa tạng trong cùng thời gian rất ngắn. Do có kinh nghiệm nên khi phẫu thuật lấy tạng, các phẫu thuật viên đều làm cẩn trọng để các BV nhận tạng ghép được tốt nhất. 

 

Ông Trần Ngọc Hanh sau 20 ngày được ghép phổi.

Nếu hồi sức cho phổi ở tình trạng tốt nhất thì dễ ảnh hưởng đến các tạng khác, nên các bác sĩ phải tính toán để tất cả các tạng đều có chất lượng như nhau. Đồng thời với chuẩn bị cho 1 ca ghép phổi, 1 ca ghép thận và một ca ghép giác mạc tại BV 108, các bác sĩ còn phải phối hợp với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia và các BV khác để ghép giác mạc cho một bệnh nhân ở BV Mắt Trung ương và vận chuyển xuyên Việt quả tim và 1 quả thận cho BV Chợ Rẫy ghép cho 2 bệnh nhân. Vì quả tim được lấy trước nên các bác sĩ phải chuyển ngay đi trước trên một chuyến bay và khi phẫu thuật xong quả thận, lại tiếp tục đưa lên một chuyến bay khác để chuyển vào BV Chợ Rẫy.

Thiếu tướng Sơn cho hay, để vận chuyển được 2 tạng vào TP Hồ Chí Minh, các BV phải phối hợp với nhau, phối hợp với Hàng không Việt Nam và phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh để bố trí cảnh sát dẫn đường, vì sợ tắc đường sẽ làm hỏng tạng. 

Có thể nói, ca ghép đa tạng cùng lúc ở nhiều BV lần này là một sự hiệp đồng chặt chẽ và chuyên nghiệp giữa các BV, giữa các ngành, góp phần quan trọng làm nên thành công của cả 6 ca ghép, để các bệnh nhân đều tiến triển tốt và hiện đã ổn định sức khỏe.

Để đảm bảo cho ca ghép phổi lịch sử này, BV 108 đã huy động 60 bác sĩ, phẫu thuật viên với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi nước ngoài và sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo BV. 

Tính từ khi nhận được tin người chết não hiến tạng cho đến khi hoàn thành ca ghép, các bác sĩ của BV 108 chỉ có chưa đầy 40 giờ đồng hồ. Sau đó, ca ghép diễn ra trong 7 giờ đã thành công mỹ mãn. Điều này thêm một lần chứng minh trình độ, tay nghề của các bác sĩ BV 108 nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Thành công của ca ghép phổi này ghi vào lịch sử ghép tạng của Việt Nam một dấu ấn mới trên chặng đường chinh phục các đỉnh cao khoa học, phục vụ người bệnh, đồng thời, mở ra cơ hội đổi đời cho những người bị bệnh về phổi. Không chỉ thế, với kết quả này, GS. Bàng cho biết, tới đây, BV 108 sẽ tự tin triển khai ghép khối tim phổi, ghép tim, ghép chi thể, ghép tử cung, ghép ruột...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top