Phản ứng sau tiêm chủng: Những điều cần biết

15:54 - Thứ Tư, 01/08/2018 Lượt xem: 6177 In bài viết
Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích to lớn của vaccine đem lại là lớn hơn bội phần so với những rủi ro của tiêm chủng. Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý để nhận diện những phản ứng sau tiêm chủng với con mình để có những xử trí kịp thời.

Vaccine tạo ra miễn dịch chủ động phòng bệnh

Vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch chủ động phòng bệnh. Hầu hết phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ, sốt có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng vaccine, tỷ lệ phản ứng và thời gian xuất hiện phản ứng của mỗi vaccine là khác nhau.

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, vaccine an toàn, nhưng giống như thuốc, trong quá trình tiêm chủng mỗi cơ thể phản ứng với vaccine khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị sưng đau tại chỗ, sốt nhẹ, sốt cao, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc.

“Thực tế, có trường hợp cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng một lọ vaccine nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, có trẻ bình thường đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine”, chuyên gia cho biết.

Hiểu đúng về phản ứng sau tiêm chủng

Phản ứng sau tiêm chủng theo định nghĩa là “bất kỳ sự kiện sức khỏe bất thường nào xảy ra sau tiêm chủng có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không liên quan đến tiêm chủng”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những phản ứng sau tiêm chủng. Đầu tiên là nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong thì lại trùng với thời điểm tiêm các loại vaccine.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và hàng ngày ước tính ở Việt Nam có khoảng 70 trẻ em dưới một tuổi bị tử vong không rõ nguyên nhân hoặc do các nguyên nhân khác nhau. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm rất dễ bị quy kết là do tiêm chủng.

Tiếp theo đó, nguyên nhân có thể do phản ứng quá mẫn cá thể đối với vaccine. Một số rất ít người có phản ứng quá mẫn rất mạnh với vaccine dẫn đến sốc phản vệ mà không phải là do chất lượng của vaccine. Đây là trường hợp rất hiếm gặp nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Một trong những lý do khiến người dân lo ngại nhất là chất lượng vaccine không đạt yêu cầu. Nếu do vaccine không bảo đảm chất lượng thì có đặc điểm là các tai biến xảy ra hàng loạt, cùng một lúc với cùng một loại vaccine, cùng một lô vaccine. Tuy nhiên nguyên nhân này là vô cùng hiếm gặp vì tất cả các lô vaccine trước khi được cấp phép lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.

Sai sót trong thực hành tiêm chủng gồm sai sót của cán bộ tiêm chủng trong quá trình bảo quản vaccine không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc cũng là nguyên nhân gây ra phản ứng sau tiêm chủng. “Các sai sót do thực hành tiêm chủng có thể gây tai biến cho trẻ như tăng phản ứng tại chỗ, áp xe tại vị trí tiêm nhưng khó dẫn đến tử vong trừ tiêm nhầm vaccine với một loại thuốc nào đó có thể gây chết người”, bác sĩ nói.

Ngoài những nguyên nhân cụ thể như trên, có nhiều trường hợp tử vong mặc dù được điều tra rất kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân. Trong trường hợp này tử vong được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân.

Lưu ý khi đưa con đi tiêm chủng

Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích to lớn của vaccine đem lại là lớn hơn bội phần so với những rủi ro của tiêm chủng. Chính vì vậy mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm khôn lường cho toàn xã hội.

Thực tiễn triển khai vaccine ở Việt Nam trong 30 năm qua cho thấy, tai biến nặng xảy ra sau tiêm vaccine là hãn hữu đã cho thấy tính an toàn của vaccine.

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cũng cần được hướng dẫn những điều cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng: mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi mang con đi tiêm chủng, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vaccine trong lần tiêm chủng trước.

Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ, để ý đến trẻ nhiều hơn, cho bú hoặc uống nhiều hơn, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

“Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày, trẻ sốt cao, co giật hay có biểu hiện bất thường như quấy khóc kéo dài, bỏ bú, tím tái, khó thở... Sự phối hợp của bà mẹ là rất quan trọng trong quá trình bảo đảm tiêm chủng an toàn”, chuyên gia y tế dự phòng nhấn mạnh.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top