Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

08:53 - Thứ Hai, 06/08/2018 Lượt xem: 6887 In bài viết
ĐBP - Bác sĩ Lò Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, cho biết: Hiện nay, Trung tâm có 27 bác sĩ. Thời gian qua, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã được ngành Y tế huyện nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Mặc dù vậy, đối với các trạm y tế xã, nhất là các trạm y tế chưa có bác sĩ (7/11 trạm y tế chưa có bác sĩ) thì số lượng các ca bệnh phải chuyển tuyến còn nhiều, gây quá tải tuyến trên và k

hó khăn trong việc đi lại của bà con. Trước thực tiễn đó, để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch luân phiên tăng cường cử bác sĩ xuống cơ sở 2 buổi/tuần hỗ trợ khám chữa bệnh trực tiếp tại các trạm. Ðây là việc làm thiết thực và kịp thời không chỉ giúp các trạm y tế xã giảm tải áp lực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu ngay tại tuyến cơ sở. 

 

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thăm khám cho bệnh nhân.

Ðể đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân, Trung tâm đã điều động và khuyến khích bác sĩ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ; ưu tiên bác sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu phong tục tập quán và tiếng dân tộc luân phiên về cơ sở tăng cường, đặc biệt là những xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, chưa có bác sĩ. Ðiều dễ nhận thấy khi bác sĩ tăng cường về các trạm là hiệu suất khám, chữa bệnh được cải thiện, tăng cao về số lượng và chất lượng; việc sơ cứu, cấp cứu các trường hợp rủi ro do tai nạn lao động, dịch bệnh, tự sát bằng thuốc trừ sâu... được kịp thời, giảm thiểu các ca tử vong. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị thông thường cho người dân được thực hiện hiệu quả, rất nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm đã được phát hiện, chuyển tuyến và điều trị kịp thời; hỗ trợ tuyến dưới thực hành các phương pháp, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nâng cao tay nghề, hạn chế tình trạng chuyển tuyến không cần thiết.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Lò Văn Dũng: Ðể việc đưa bác sĩ về tuyến cơ sở đem lại những hiệu quả thiết thực rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành... Ðặc biệt, cần chủ động trong công tác đào tạo bác sĩ tuyến dưới hướng tới các đối tượng là người địa phương, con em đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo (năm 2017 - 2018, Trung tâm có 5 bác sĩ được cử đi học chuyên khoa)… Từ đó, hỗ trợ và tiếp thêm niềm tin để những thầy thuốc cắm bản yên tâm công tác, cống hiến cho bản làng vùng cao.

Bác sĩ Lèo Văn Hoàng, Trạm Y tế xã Pá Mỳ, cho biết: Ðược phân công về trạm y tế xã, tôi chủ động sắp xếp thời gian cùng cán bộ Trạm phối hợp với UBND các xã thông báo về ngày, giờ và lịch khám cụ thể để người dân biết và đến đúng giờ. Tôi cũng hỗ trợ thêm cho cán bộ y tế Trạm cách sơ cứu ban đầu một số bệnh thường gặp, phát hiện bệnh và chuyển tuyến kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân; góp phần củng cố và tạo lòng tin trong nhân dân về hệ thống y tế cơ sở.

Có thể khẳng định, việc tăng cường bác sĩ về tuyến xã ở Mường Nhé là phù hợp với nguyện vọng người dân, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách dịch vụ y tế giữa tuyến trên và cơ sở. Từ đó, làm hạn chế tình trạng vượt tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Mặc dù vậy, để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thực sự có hiệu quả, đặc biệt đối với huyện biên giới Mường Nhé rất cần có sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế…

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top