Tăng miễn dịch cho trẻ trước sởi nghịch mùa

14:32 - Thứ Năm, 23/08/2018 Lượt xem: 5789 In bài viết
Sau dịch sởi năm 2014 khiến hàng nghìn ca mắc, dịch sởi rất có thể quay trở lại năm 2018 với số lượng ca mắc đang tăng từng tuần. Sởi lan rộng từ Sơn La, Lai Châu và Hà Nội vẫn là tâm điểm của dịch sởi với nhiều ca biến chứng nguy hiểm.

Sởi trái mùa và những biến chứng nguy hiểm

Phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, nhưng năm nay sởi lại xuất hiện mạnh vào thời điểm hè sang thu. Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn một nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Số người mắc sởi chủ yếu là trẻ em tập trung tại các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Thuận...

Tại Hà Nội đến nay ghi nhận 315 trường hợp mắc sởi, chưa có tử vong, số mắc tăng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm. Đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định. Trước diễn biến của bệnh sởi, các chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát dịch sởi theo quy luật 5 năm một lần sẽ xảy ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc sởi trái vụ năm nay tuy có xuất hiện nhưng chỉ rải rác, chưa phải là tập trung và hình thành ổ dịch. Tuy nhiên, có nhiều ca bệnh sởi có biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy...

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sởi là căn bệnh thường gặp từ trẻ trên chín tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc sởi. Nhưng hiện nay, nhiều trẻ mắc sởi ngay cả trước khi tiêm phòng sởi và thậm chí ngay sau khi sinh.

“Điều này hoàn toàn bình thường và có thể lý giải do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, do đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh”, PGS Trần Minh Điển nói.

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân tích, tình trạng trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi chứng tỏ người mẹ không có kháng thể tốt nên không truyền được cho con, dẫn tới trẻ dễ mắc bệnh. Qua các nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong vòng 3 tháng đầu, các cháu còn một lượng kháng thể nhất định nhưng từ 3 tháng tới 6 tháng đã giảm xuống 2/3 lượng kháng thể của mẹ truyền cho và từ 6 tới 9 tháng, các cháu không còn kháng thể từ bà mẹ truyền sang.

Tăng miễn dịch sởi cho trẻ bằng tiêm phòng trước chín tháng tuổi

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, qua phân tích dịch tễ người bệnh sởi cho thấy, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới năm tuổi, trong đó nhóm dưới một tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi. Cụ thể, nhóm trẻ dưới chín tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi) có 73 trường hợp (chiếm 30,4%); nhóm trẻ từ chín đến 11 tháng tuổi có 38 trường hợp (chiếm 15,8%). Như vậy, đối tượng mắc sởi do chưa đến độ tuổi tiêm chủng chiếm khá lớn, là mối lo ngại đối với cán bộ y tế trong tuyên truyền phòng chống dịch sởi.

GS Đặng Đức Anh khuyến cáo lịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ chín tháng tuổi là hợp lý. Tuy nhiên đối với từng cá nhân cụ thể, trong trường hợp mẹ chưa từng bị mắc sởi, lo sợ sẽ không truyền được kháng thể tốt cho trẻ thì có thể tiêm vaccine sởi cho trẻ từ sáu tháng tuổi.

“Việc tiêm vaccine sởi cho trẻ trước chín tháng tuổi không khuyến cáo rộng rãi, chỉ áp dụng tiêm cho những trẻ ở các vùng có nguy cơ và phải có sự chỉ định của ngành y tế ở địa phương đó. Tuy nhiên, nếu trẻ tiêm vaccine sởi trước chín tháng tuổi mà lại bỏ mũi tiêm nhắc lại khi chín tháng và 12 tháng tuổi thì trẻ này sẽ có nguy cơ mắc sởi nhiều hơn so với trẻ chỉ tiêm vaccine sởi đúng khi chín tháng tuổi”, GS Đặng Đức Anh nói.

Về khuyến cáo tiêm phòng sởi cho trẻ trước chín tháng tuổi, PGS.TS Trần Đắc Phu nói, trên thế giới, cũng có những nước tiêm sởi cho trẻ trước chín tháng tuổi. Tuy nhiên, mũi tiêm đó chỉ là mũi tiêm số 0, không thể coi là mũi tiêm sởi số 1 vì khi tiêm sớm cho trẻ, miễn dịch sẽ không bền hoặc có thể tiêm cho trẻ đã có sẵn hệ miễn dịch tốt. Những trẻ đã tiêm vaccine ở tháng thứ 6 thì tới tháng tuổi thứ 9 và tháng thứ 12 vẫn phải tiêm nhắc lại và mũi tiêm ở tháng thứ 9 mới được tính là mũi tiêm sởi số 1 của trẻ.

“Biện pháp tốt nhất phòng tránh bệnh sởi cho trẻ là tiêm vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch quy định. Đây cũng là một trong 10 loại vaccine bắt buộc mà trẻ phải được tiêm trước năm tuổi. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt, trẻ sẽ bị nhiễm sởi và lây lan ra cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Tại Hà Nội, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95% - 97%), nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3% - 5% trẻ không được tiêm vaccine sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để chủ động phòng bệnh, Hà Nội quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như tiêm thường xuyên, tiêm bổ sung… nhằm tăng miễn dịch cho trẻ. “Ngành y tế Hà Nội thực hiện tốt hoạt động tiêm chủng thường xuyên trên địa bàn thành phố, bảo đảm ít nhất 95% trẻ dưới hai tuổi được tiêm hai mũi vaccine phòng bệnh sởi ở quy mô xã, phường, thị trấn. Thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế thấp nhất việc tiêm muộn, hoãn tiêm. Bảo đảm trẻ sáu tuổi (khi nhập học lớp 1) đã được tiêm hai mũi vaccine phòng bệnh sởi theo quy định của chương trình tiêm chủng quốc gia”, ông Hạnh cho hay.

Được biết, hiện nay vaccine của Việt Nam sản xuất đã đưa vào trong hướng dẫn sử dụng tiêm cho trẻ dưới chín tháng tuổi. Tuy nhiên Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang cùng hướng dẫn, dự kiến khoảng quý 4-2018 sẽ thực hiện tiêm cho những vùng có chỉ định.

Để phòng bệnh sởi cho trẻ, ngoài tiêm phòng, cần tích cực cho trẻ bú sữa mẹ; cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban. Cần tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng; bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc dụi tay lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top