Thông tuyến BHYT, y tế cơ sở gặp khó

09:21 - Thứ Hai, 03/12/2018 Lượt xem: 5825 In bài viết

ĐBP - Trạm y tế xã, phường (gọi chung là trạm y tế cơ sở) có chức năng và ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, nhất là từ khi chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Minh thăm khám cho bệnh nhi.  Ảnh: Thu Hằng

Tại Trạm Y tế xã Thanh Minh, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, có đủ các phòng chức năng, đội ngũ nhân viên và các trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Thế nhưng, một thực trạng đang diễn ra từ khi thông tuyến BHYT, đó là số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm giảm dần đều qua từng năm. Ðiển hình, 9 tháng năm 2016 Trạm thực hiện được trên 1.220 lượt khám, kê đơn cấp, phát thuốc; 9 tháng năm 2017 số lượt người khám, kê đơn cấp, phát thuốc tại Trạm giảm xuống còn 983 lượt và 9 tháng năm 2018, số người sử dụng các dịch vụ tại Trạm giảm xuống 751 lượt. Theo Bà Phạm Thị Thủy, Phó Trạm trưởng, Trạm Y tế xã Thanh Minh thì số lượng bệnh nhân ít đi, mà bệnh cũng đơn giản đã làm hạn chế việc cập nhật chuyên môn của đội ngũ cán bộ trạm. Tại trạm, một số thiết bị về đông y hay thiết bị khám, chữa răng từ khi được trang cấp đến nay chưa sử dụng đến. 

Ðược đầu tư xây mới từ năm 2014 trên diện tích hơn 700m2 với chi phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng, đồng thời được đầu tư thêm hơn 270 triệu đồng về trang thiết bị Y tế, hiện Trạm Y tế phường Thanh Bình là trạm y tế có lượt khám, chữa bệnh cao nhất trong số 9 trạm y tế cơ sở trên địa bàn thành phố. Mặc dù số lượt khám, chữa bệnh những năm qua vẫn được duy trì ổn định, song kết quả vẫn rất hạn chế. Ðơn cử như 9 tháng năm 2018, Trạm thực hiện khám, kê đơn cấp phát thuốc cho khoảng 1.550 lượt bệnh nhân, như vậy trung bình mỗi ngày có hơn 50 lượt bệnh nhân đến khám và cấp phát thuốc. Bà Hoàng Thị Minh Loan, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thanh Bình chia sẻ: Trạm hiện có 1 bác sĩ đa khoa, 4 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 cử nhân y tế cộng đồng. Song, trạm chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ phòng bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, khám và cấp, phát thuốc điều trị các bệnh thông thường như: huyết áp, viêm họng, viêm khớp, bệnh ngoài da… Theo “danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh” do Bộ Y tế ban hành, mặc dù trạm có cả bác sĩ nhưng khi áp dụng vào danh mục khám chữa bệnh, chức năng của trạm chỉ tới đó, cơ số thuốc chỉ được bấy nhiêu nên người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Ðây cũng là một phần nguyên nhân vì sao Trạm Y tế phường Thanh Bình nói riêng cũng như các trạm y tế cơ sở trên địa bàn thành phố nói chung hoạt động chưa hiệu quả.

Tìm hiểu được biết, đây đang là thực trạng chung của tất cả các trạm y tế cơ sở trên địa bàn thành phố. Thậm chí, tại Trạm Y tế phường Mường Thanh, nơi có số lượng dân cư sinh sống trên địa bàn đông nhất thành phố, song số lượng người đến khám tại Trạm Y tế của phường còn thấp hơn, trung bình 1 ngày chỉ có 1 lượt người đến khám, kê đơn cấp phát thuốc.

Theo bác sĩ Vừ A Sử, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ, bên cạnh việc tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Trước hết, vì không cần phải có giấy giới thiệu nên thay vì chọn khám, chữa bệnh ban đầu ở các trạm y tế thì người dân lại lên thẳng Trung tâm Y tế thành phố. Nhiều người dù chỉ bị các bệnh thông thường, hoàn toàn có thể điều trị ở trạm y tế cơ sở cũng lên Trung tâm Y tế thành phố điều trị. Ðặc biệt, từ giữa năm 2016 đến nay, một số cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện áp dụng khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh, người dân có thêm lựa chọn tốt hơn, đồng nghĩa với việc càng khiến trạm y tế cơ sở thêm “đìu hiu”.

Chưa nói đến nguyên nhân do tâm lý “cố hữu”, chưa thể “một sớm một chiều” thay đổi của người dân khi bị bệnh đều muốn tìm đến những bệnh viện lớn, có uy tín, chất lượng với lý do nhận được sự an tâm, tin tưởng. Nhưng công bằng mà nói thì chính những hạn chế trong quá trình hoạt động tại các trạm y tế cơ sở cũng ảnh hưởng và tác động rất lớn đến số lượng bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại đây. Theo đó, khó khăn lớn nhất mà các trạm y tế cơ sở trên địa bàn thành phố đang gặp phải hiện nay, đó là đội ngũ nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Hiện, trên địa bàn chỉ có 5 trạm y tế có bác sĩ là: Thanh Trường, Mường Thanh, Nam Thanh, Noong Bua, Thanh Bình… vì vậy, những trạm không có bác sĩ thì dù có trang bị các phương tiện hiện đại cũng khó có người thực hiện và đọc kết quả cận lâm sàng. Ðể nâng cao chất lượng đối với các trạm y tế cơ sở chưa có bác sĩ, Ðề án 1816 được triển khai trên địa bàn thành phố với việc tăng cường bác sĩ đến trạm 2 lần/tuần. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của đội ngũ bác sĩ này cũng có nhiều điểm hạn chế, hiệu quả chưa thực sự cao. Ðó là chưa nói đến đội ngũ các y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng trình độ cao và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế nên chưa thật sự nhận được sự tin tưởng của người dân.

Là đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản, nếu mạng lưới y tế cơ sở phát triển và hoạt động hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về chi phí, rút ngắn được chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền cũng như tạo được sự cân bằng trong hoạt động khám, chữa bệnh hiện nay. Ðể làm được điều này, ngoài việc bản thân cán bộ y tế cơ sở phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm thì ngành Y tế cần có các giải pháp, chính sách đối với Trạm Y tế cơ sở về con người, đặc biệt là bác sĩ, đầu tư trang cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát huy y học cổ truyền và đặc biệt là trong chế độ bảo hiểm nên có chế độ chính sách ưu tiên về cơ số thuốc đối với các trạm y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế có bác sĩ.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top