Bạo hành y tế gia tăng: Luật pháp và đạo đức bị thách thức

Linh hoạt vận dụng quy định để xử lý nghiêm

14:53 - Thứ Ba, 18/12/2018 Lượt xem: 6661 In bài viết

Cần làm gì để bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế, ngăn chặn các vụ việc hành hung thầy thuốc tại bệnh viện (BV), là câu hỏi nhức nhối được đặt ra tại nhiều hội nghị trong những năm qua.

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đề xuất: Đối với cán bộ y tế phải tự bảo vệ bản thân mình bằng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử với từng đối tượng người bệnh, phải cảm thông, chia sẻ với người bệnh trong từng hoàn cảnh trạng thái tâm lý… Ngoài việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, mỗi cán bộ y tế phải học tập, tìm hiểu, nâng cao sự hiểu biết về tâm lý người bệnh, về pháp luật và kiến thức về xã hội… 

Đặc biệt, khi có dấu hiệu nguy hiểm đến bản thân bắt buộc phải tự bảo vệ bản thân bằng cách từ chối khám, chữa bệnh. Còn các BV,  cơ sở y tế cần tập huấn kỹ năng giao tiếp cho từng đối tượng cán bộ y tế và kiện toàn, củng cố hệ thống bảo vệ vừa giỏi nghiệp vụ về công tác bảo vệ lẫn hiểu biết pháp luật.

 

Thăm hỏi một bác sĩ bị tấn công khi đang khám, chữa bệnh.

Theo PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, BV của ông đã triển khai hàng loạt biện pháp để bảo vệ nhân viên y tế như lắp camera toàn BV, chuông báo động toàn BV, phối hợp với cơ quan Công an để đảm bảo an ninh.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội: Các BV, cơ sở y tế cần chủ động có những biện pháp bảo vệ, đảm bảo an ninh cho các bác sĩ. Bộ Y tế và Bộ Công an cũng đã có những ký kết để đảm bảo, cắt cử lực lượng an ninh tham gia trực chiến những nơi nhạy cảm ở khu vực khám chữa bệnh, đặc biệt ở những bệnh viện lớn. Do vậy, chúng ta cũng cần phải bàn đến những giải pháp giải quyết, phòng ngừa hiệu quả.

Nhiều ý kiến thống nhất rằng, để có thể ngăn ngừa tình trạng bạo hành thầy thuốc tại các BV, rất cần phải có các giải pháp mạnh, mà việc phối hợp giữa các BV với lực lượng Công an là rất quan trọng. Thực tế thời gian qua đã cho thấy vấn đề này. Từ khi có lực lượng Công an 113 cắm chốt tại các BV Việt Tiệp (Hải Phòng), BVĐK tỉnh Ninh Bình cùng với đường dây nóng thì công tác an ninh ở BV đã chuyển biến.

Kinh nghiệm của BV Việt Đức trong công tác đảm bảo ANTT được GS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ: Giữa BV Việt Đức  và Công an TP Hà Nội có ký kết phối hợp hoạt động, luôn có lực lượng Công an tại BV. Khi có sự cố là lập tức có lực lượng ứng cứu, ngoài ra còn có hệ thống camera và các nút báo động khẩn cấp tại các bàn.

Tuy nhiên, BV xác định phải chủ động ngăn chặn, xử lý tại chỗ kịp thời các vụ việc, đồng thời, phải chủ động phối hợp với các cơ quan chính quyền, Công an trên địa bàn để giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc ANTT nói chung, các vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế nói riêng. Phải lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm; phải có chế tài đủ mạnh để quản lý công tác bảo vệ.

100% nhân viên bảo vệ được bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ bảo vệ, về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Các khu vực trọng điểm như Khoa Khám bệnh cấp cứu được tăng cường bảo vệ và công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, bộ đàm, chuông báo động tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu…

Còn BV Bạch Mai cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an các cấp, ký liên kết đảm bảo ANTT để thống nhất Quy chế phối hợp nhằm đảm bảo cấp cứu nhanh và hiệu quả cho người bệnh. Tất cả các vụ việc về ANTT đều phối hợp với cơ quan Công an và có phương án xử lý triệt để. Lực lượng Công an có mặt ở các vị trí “nóng” trong BV. Vì vậy tất cả các vụ việc phức tạp đều được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

PGS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho rằng, để ngặn chặn các vụ tấn công thầy thuốc, luật pháp phải nghiêm minh. Cần phải xử lý nghiêm các vụ hành hung thầy thuốc, thay vì chỉ chủ yếu xử phạt hành chính như hiện nay.  Ngược lại, những người thực thi nhiệm vụ mà sai thì cơ quan quản lý con người đó phải xử lý nghiêm khắc, giáo dục, thậm chí kỷ luật để làm gương.

Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, ở góc độ luật pháp, chúng ta cần nghiên cứu tình tiết tăng nặng đối với những người có hành vi bạo hành đối với những người làm ở ngành nghề mà xã hội cần tôn vinh, tôn trọng như nghề thầy giáo, bác sĩ. Ở các nước phát triển, nếu người nào xâm phạm những người được xã hội tôn vinh, mang lại lợi ích cho chính họ và người thân của họ thì đó được coi là tình tiết tăng nặng, cần xử lý nghiêm khắc hơn.

Ở nước ta hiện nay, mới chỉ có quy định cứng là người đang thi hành công vụ chỉ là những người thực thi công vụ của Nhà nước, do vậy những người làm dịch vụ, làm nghề như thầy giáo, bác sĩ... không được xem là thi hành công vụ, không được xã hội coi trọng. Do vậy, cần có sự linh hoạt hơn trong việc vận dụng các quy định pháp luật để có tính chất răn đe hơn đối với các hành vi bạo hành nhân viên y tế.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top