Tăng mức chi bảo hiểm y tế cho trạm y tế xã

10:21 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 8373 In bài viết

Tập trung cho y tế xã phát triển là một mục tiêu quan trọng của ngành Y tế trong giai đoạn tới, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giúp cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, làm cơ sở để góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Theo Thông tư liên tịch 41 hướng dẫn thực hiện BHYT thì quỹ KCB BHYT giao cho trạm y tế không quá 20% quỹ KCB ngoại trú, nên không đủ để chi cho KCB của người dân địa phương. Điều này khiến cho có những loại bệnh mà trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc, nhưng vẫn phải chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, đồng thời, khiến người bệnh phải đi xa, tốn kém tiền của và phiền hà cho người bệnh. Quy định này còn làm hạn chế phạm vi phát triển chuyên môn kỹ thuật của trạm y tế xã.

Thực tế cho thấy với mức chi bình quân cho KCB BHYT tại trạm y tế xã năm 2016 là 52.855 đồng/lượt khám và năm 2017 là 75.797 đồng/lượt khám đã không khuyến khích người dân KCB tại cơ sở vì quá thấp. Mức kinh phí KCB BHYT chỉ 20% không đáp ứng được yêu cầu đối với các trạm y tế xã có nguồn nhân lực tốt, người bệnh đến khám đông hoặc tổ chức quản lý bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế tài chính linh hoạt đối với trạm y tế mới tăng cường hiệu quả công tác KCB.

 

Nâng mức chi bảo hiểm y tế cho trạm y tế sẽ giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho cho rằng nếu khống chế tỷ lệ KCB BHYT tại trạm y tế dưới 20% sẽ dẫn tới thực trạng là ở những nơi nhân viên y tế xã có đủ năng lực chuyên môn khám bệnh, làm xét nghiệm, nhưng không được thực hiện. Vì thế người dân thiếu niềm tin với trạm y tế xã và sẽ chọn cách lên tuyến trên thay vì KCB tại cơ sở y tế ban đầu, dẫn tới tình trạng quá tải tuyến trên.

Trước những vướng mắc trên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 105 theo hướng ưu tiên sử dụng quỹ BHYT cho tuyến y tế cơ sở. Như vậy là quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế không quá 20% quỹ KCB ngoại trú hiện nay được bỏ.

Thay vào đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán dựa trên chi phí bình quân của năm trước và thanh toán chi phí thực tế đối với chi phí phát sinh như: áp dụng dịch vụ kỹ thuật mới; bổ sung thuốc mới, vật tư y tế mới; áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT mới; thay đổi phạm vi hoạt động của trạm y tế; thay đổi mô hình bệnh tật; số lượt KCB.

Những trường hợp bệnh mạn tính được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn của tuyến trên của những người có thẻ BHYT KCB tại trạm y tế xã đều được thanh toán.

Việc tăng tỷ lệ quỹ được sử dụng ở trạm y tế xã là một thay đổi rất lớn, góp phần bảo đảm tính chia sẻ của quỹ BHYT, phù hợp với việc KCB thông tuyến, không gây áp lực cho cơ sở KCB. Các trạm y tế xã thực hiện KCB theo phạm vi chuyên môn quy định và sẽ được quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế sau khi được BHXH giám định.

Nếu người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị, sau đó chuyển về để quản lý, theo dõi hoặc cấp phát thuốc tại cơ sở y tế tuyến xã, vẫn được BHYT thanh toán, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 trạm y tế điểm hiện nay để nhân rộng trên phạm vi cả nước nhằm đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, KCB cho từng người dân trên địa bàn, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, mục tiêu của ngành Y tế là đến năm 2020 ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đến năm 2025 có 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Các giải pháp hạn chế hành hung nhân viên y  tế

Từ việc đánh giá tình hình và các nguyên nhân chính của tình trạng bạo hành y tế, Bộ Công an khuyến cáo: Các đơn vị y tế cần hoàn thiện cơ sở vật chất liên quan đến các trang thiết bị đảm bảo an ninh; lựa chọn nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp có khả năng ứng phó với các tình huống.

Cập nhật thông tin về phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội cho y bác sĩ, nhân viên bệnh viện (BV) và có phương án dự phòng các tình huống để đảm bảo ANTT. Các BV cần lập đường dây nóng để bệnh nhân, người nhà kịp thời phản ảnh những bất cập, bức xúc trong quá trình KCB, cũng như đường dây nóng đến cơ quan Công an cơ sở, để kịp thời thông báo các tình huống khẩn cấp về ANTT, có phương án giải quyết.

Nhắc nhở y bác sĩ nâng cao y đức, rèn luyện tác phong ứng xử với bệnh nhân và người nhà, kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy tắc đạo đức, quy tắc nghề nghiệp trong KCB. Cần thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT các BV. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, y bác sĩ, cán bộ nhân viên BV và bệnh nhân nâng cao ý thức bảo vệ ANTT tại BV.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top