Ca ghép phổi lịch sử do các bác sĩ Việt Nam thực hiện

15:55 - Thứ Hai, 24/12/2018 Lượt xem: 8562 In bài viết

Hơn một năm trước, GS. Trịnh Hồng Sơn –Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức từng trao đổi với báo giới về việc BV Việt Đức sẽ ghép phổi cho người chết não. Vẫn tưởng đó  là câu chuyện của tương lai, nào ngờ, tại cuộc họp báo do BV Việt Đức tổ chức vào ngày 24-12, GS. Trần Bình Giang- Giám đốc BV cho biết điều đó đã trở thành hiện thực ở nơi này, khi ca ghép phổi cùng các ca ghép đa tạng khác được tiến hành vào giữa tháng 12-2018 đã thành công mỹ mãn.

Có thể nói đây là ca ghép lịch sử, đánh dấu bước phát triển của chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam, khi đây là lần đầu tiên việc ghép phổi từ người chết não được tiến hành do các bác sĩ người Việt Nam thực hiện. 

Đây cũng là ca đầu tiên thực hiện lấy đồng thời 6 tạng từ một người cho chết não và tiến hành ghép 5 tạng cùng lúc cho 4 bệnh nhân: 1 tim, 2 phổi, 1 gan và một thận và là kỷ lục về ca ghép nhiều tạng nhất, trong đó có một tạng được điều phối xuyên Việt vào TP. Hồ Chí Minh cho một bệnh nhi.

“Thành công này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ liên ngành, liên BV, giữa BV Việt Đức và các BV khác về ngoại khoa và nội khoa, đồng thời chứng tỏ trình độ tay nghề cao của các bác sĩ ở BV Việt Đức.”- GS. Giang nhấn mạnh.

 

Ca ghép phổi đầu tiên ở BV Việt Đức.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người hiến tạng và gia đình người hiến để có thành công này. Theo GS. Giang, người hiến tạng là một nam bệnh nhân ngoài 40 tuổi, ở Ninh Bình, bị chết não do phình mạch não vỡ, sau khi được  điều trị tích cực ở BV Bạch Mai không kết quả. 

Từ khi còn khỏe mạnh, anh đã tha thiết có nguyện vọng hiến tạng nên khi không may bị chết não, gia đình đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình để thực hiện nguyện vọng nhân ái của anh. Ngay lập tức, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã làm thủ tục đưa bệnh nhân về BV Việt Đức để hiến tạng.

Theo PGS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa phẫu thuật Tim mạch –Lồng ngực (BV Việt Đức), người trực tiếp thực hiện ca ghép phổi cho biết: Bệnh nhân may mắn được nhận 2 lá phổi của người hiến là anh N.V.Đ, 17 tuổi, đang điều trị tại BV Bạch Mai do mắc bệnh hiểm nghèo. 

GS. Giang đã chủ trì cuộc hội chẩn liên viện với BV Bạch Mai, gồm các chuyên khoa nội, ngoại của 2 BV để bàn bạc kỹ lưỡng và thấy rằng nếu không ghép thì bệnh nhân sẽ chết, nên quyết định ghép phổi để cứu bệnh nhân.

 

Bệnh nhân ghép phổi đang dần ổn định sức khỏe.

Ca ghép phổi do PGS. Nguyễn Hữu Ước thực hiện với nhiều thách thức. Vì ghép phổi đòi hỏi sự vô trùng tuyệt đối cao hơn các loại ghép tạng khác rất nhiều. Việc ghép phổi từ người cho chết não là trong tình trạng cấp cứu nên quy trình chuẩn bị gấp gáp hơn về mọi mặt, bị động từ việc lựa chọn người nhận, đến việc làm các thủ tục kỹ thuật cho ca ghép; nguy cơ nhiễm trùng rất cao… 

Nhưng với kinh nghiệm ghép đa tạng đã thành công từ 2015, các bác sĩ của BV Việt Đức đã khẩn trương tiến hành các ca ghép đặc biệt này với hàng trăm nhân viên y tế các chuyên ngành được huy động.

Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy hai phổi, đồng thời lấy tim, gan, 2 thận để ghép cho 5 bệnh nhân. Cuộc mổ bắt đầu lúc 8h30 phút và ca ghép kết thúc lúc 23h cùng ngày. Sau ca ghép phổi, bệnh nhân được chuyển về đơn vị hồi sức đặc biệt. Việc chăm sóc sau mổ ghép phổi cũng phức tạp hơn nhiều cách ghép tạng khác vì nguy cơ nhiễm trùng tạng ghép rất cao, phải nội soi - đánh giá - vệ sinh phế quản hàng ngày, phải chăm sóc phổi ghép qua mở khí quản, nên thời gian hậu phẫu thường kéo dài 2 - 3 tháng bệnh nhân mới xuất viện được. 

 

Các chuyên gia và những người có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động ghép tạng ở Việt Nam.

GS. Đỗ Kim Sơn và PGS. Nguyễn Tiến Quyết, 2 “cây đại thụ” của ngành ngoại khoa Việt Nam, cũng là 2 nguyên Giám đốc BV Việt Đức đều chúc mừng thành công mang tính lịch sử này của ngành ghép tạng Việt Nam nói chung, của BV Việt Đức nói riêng và nhấn mạnh: Thành công của ca ghép phổi hôm nay là kết quả của sự chuẩn bị hàng chục năm qua của BV Việt Đức trong việc cử người đi học ở các nước, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị chu đáo cũng như nỗ lực của cá nhân PGS. Nguyễn Hữu Ước. 

 

GS. Đỗ Kim Sơn đánh giá cao kết quả của ca ghép phổi.

Điều ghi nhận là từ ca ghép này, BV Việt Đức sẽ tiếp tục triển khai ghép phổi để dần trở thành thường quy như ghép tim, gan, thận, mở ra cơ hội được điều trị triệt để cho bệnh nhân phổi với chi phí hợp lý mà không phải ra nước ngoài. 2 vị giáo sư ngoại khoa hàng đầu cũng đánh giá cao việc BV Việt Đức thành công trong việc ghép đa tạng vì trên thế giới cũng không có nhiều Trung tâm ghép được nhiều tạng.

GS. Giang cho biết thêm về các ca ghép tạng đồng thời với ca ghép phổi đều tiến triển tốt, trong đó có ca ghép thận tại BV Nhi đồng II TP. Hồ Chí Minh cho bệnh nhi 15 tuổi, mắc suy thận giai đoạn cuối, sau khi được Trung tâm Điều phối tạng chuyển một quả thận từ Hà Nội vào bằng hàng không dân dụng của Vietnamairlines. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, ăn uống được.

Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 01 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Riêng BV Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (+ 6 ca hỗ trợ ghép ở các BV khác), 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top