Phụ huynh cần có kiến thức về tiêm chủng mở rộng

09:33 - Thứ Hai, 07/01/2019 Lượt xem: 6952 In bài viết

ĐBP - Năm 2018, Bộ Y tế đã có thông báo đưa 3 loại vắc xin mới, gồm: Sởi - rubella (Việt Nam sản xuất), vắc xin ngừa bại liệt (Pháp sản xuất) và vắc xin ComBe Five (Ấn Ðộ sản xuất) thay thế vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1 do Hàn Quốc sản xuất) vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Ðến nay, sau một thời gian thí điểm, vắc xin ComBe Five đã được sử dụng phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên, để an toàn cho trẻ nhỏ, phụ huynh cần năm rõ các quy trình, quy tắc trong thời gian tiêm loại vắc xin cho trẻ nhỏ.

 

Cán bộ y tế tham gia tập huấn tiêm vắc xin ComBe Five trong tiêm chủng mở rộng do Sở Y tế tổ chức. Ảnh: Quang Long

Trước khi khi đưa vắc xin ComBe Five vào tiêm chủng đại trà, đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBE Five, gồm: Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An. Ðây là vắc xin do Ấn Ðộ sản xuất, có thành phần tương tự vắc xin Quinvaxem. Qua quá trình nghiên cứu và thí điểm của các cơ quan chức năng, ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,05 - 5,5%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Thống kê cho thấy, có ít nhất 2 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm và nhiều trẻ khác bị sốt cao, tím tái do vắc xin ComBe Five đã khiến dư luận quan tâm hơn. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trường hợp 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five không phải do vắc xin ComBe Five.

Theo các chuyên gia, vắc xin ComBe Five có chứa thành phần ho gà toàn tế bào, nên sau khi tiêm sẽ  có những phản ứng như: sốt từ 38 - 390C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy, khóc kéo dài là 3,5%.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về việc thực hành tiêm chủng vắc xin cho trẻ. Theo đó, trước khi tiêm trẻ được khám sàng lọc, sau khi tiêm trẻ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, đồng thời nhân viên y tế phải tư vấn để các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Tại Ðiện Biên, vắc xin ComBe Five sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm 2019. Trước khi triển khai, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ từ tuyến tỉnh đến địa phương về quy trình tiêm chủng vắc xin ComBe Five. Tuy nhiên, để việc tiêm chủng diễn ra an toàn, phụ huynh cần có kiến thức về tiêm chủng mở rộng. Theo đó, trong vòng từ 1 - 2 ngày sau khi tiêm, phải theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà về các dấu hiệu như: ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Bên cạnh đó, phải quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp phản ứng như sưng, đau tại chỗ tiêm… Ðây là một phần đáp ứng miễn dịch của cơ thể và phản ứng này thường tự khỏi. Nếu vết tiêm có dấu hiệu sưng, đau lan rộng, trẻ quấy khóc nhiều, sốt cao trên 390C, người tím tái, li bì... phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám và xử trí kịp thời. Ðặc biệt, để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, phụ huynh cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm, biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng, như: Sau tiêm cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng có thể xảy ra, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

Quang Long
Bình luận
Back To Top