Ðem nhiệt huyết tuổi trẻ đến vùng cao

12:21 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 10491 In bài viết

ĐBP - Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Dự án 585) của Bộ Y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn ở hệ thống y tế cơ sở. Ðiện Biên có hai bác sĩ trẻ tình nguyện đến với huyện khó khăn của tỉnh là Mường Nhé và Mường Ảng, để khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu khám bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé.

Vào một ngày cuối năm, chúng tôi đến Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng để gặp bác sĩ trẻ Ðinh Huệ Quyên - một trong hai bác sĩ tham gia Dự án 585 tình nguyện về công tác ở tỉnh ta. Mặc dù công việc tại Khoa Sản (Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng) rất bận, nhưng bác sĩ Quyên vẫn dành thời gian tiếp chuyện và chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, vất vả trong những tháng ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Ðiện Biên Phủ lịch sử.

Sinh ra và lớn lên ở miền xuôi (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và là con gái nên ngày đầu nhận công tác, Quyên còn khá bỡ ngỡ với cuộc sống, phong tục, tập quán nơi đây. Nói chuyện với chúng tôi, bác sĩ trẻ Ðinh Huệ Quyên cho biết: “Trước khi tham gia Dự án 585 của Bộ Y tế, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về dự án này. Năm 2009, trúng tuyển vào Trường Ðại học Y Hà Nội, sau một thời gian theo học, tôi nghe nói về dự án nên đã tự tìm hiểu về phạm vi, đối tượng, vùng dự án bao phủ. Dự án chỉ dành cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên tôi biết là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn tình nguyện đăng ký tham gia. Khi biết tin tôi tình nguyện lên vùng cao nhận công tác thì gia đình cũng phản đối và lo lắng lắm! Nhưng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi vẫn muốn được tham gia dự án để cống hiến tài năng, sức trẻ, chữa bệnh cứu người. Thấy tôi quyết tâm nên người thân cũng đồng thuận. Vượt qua mọi khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, dần dần tôi cũng thích nghi với cuộc sống và con người ở vùng cao”.

Bác sĩ Ðinh Huệ Quyên thuộc biên chế của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và đã hoàn thành đào tạo chuyên khoa I tại Trường Ðại học Y Hà Nội vào tháng 1/2018. Ðến tháng 2/2018, Quyên lên đường đến vùng cực Tây Tổ quốc, hỗ trợ Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng. Trong thời gian 3 năm, Quyên sẽ hỗ trợ chuyên môn, triển khai kỹ thuật khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân và hướng dẫn, giảng dạy, chia sẻ kiến thức chuyên môn cho bác sĩ tuyến cơ sở… Sau hơn 10 tháng làm nhiệm vụ tại đây, Quyên cùng với các y, bác sĩ đã giúp đỡ rất nhiều sản phụ sinh nở “mẹ tròn, con vuông”.

Bác sĩ Quyên chia sẻ: Mỗi cháu bé chào đời tôi lại cảm thấy rất vui và hạnh phúc, vì đã hoàn thành trách nhiệm giúp sản phụ “mẹ tròn, con vuông”. Dù không thể nhớ tên sản phụ, tên của cháu bé nhưng về tình trạng sức khỏe của mẹ và bé thì lúc nào tôi cũng phải ghi nhớ để còn có phương pháp điều trị kịp thời. Nhờ tận tình chăm sóc, chữa trị cho người bệnh nên người nhà bệnh nhân rất tin tưởng và yêu mến. Có người nhà bệnh nhân, dù đã ra viện gần 1 tuần nhưng vẫn quay lại tìm bác sĩ để biếu một túi gạo. Giá trị món quà thì không lớn nhưng tình cảm của bà con lại rất đáng trân trọng. Những kỷ niệm đó càng làm tôi muốn gắn bó với con người và mảnh đất này hơn!”.

 

Bác sĩ Ðinh Huệ Quyên khám, chữa bệnh cho sản phụ trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Cũng giống như bác sĩ Ðinh Huệ Quyên, đến thời điểm này, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, biên chế thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương đã tham gia Dự án 585 và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật y tế, chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé được hơn một năm. Sinh ra và lớn lên tại huyện Mê Linh (TP. Hà Nội), là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 chị em; và Hiếu đã xây dựng gia đình từ năm 2016. Với ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần tình nguyện cống hiến của tuổi trẻ, tháng 8/2017, Hiếu tình nguyện nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn của tỉnh Ðiện Biên.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “6 năm (2008 - 2014) theo học chuyên ngành Ða khoa, Trường Ðại học Y Hà Nội, tôi rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Từ năm học thứ nhất đến năm học thứ tư, tôi đã tham gia các hoạt động tình nguyện của trường phát động và các chương trình thiện nguyện ở địa bàn khác trên cả nước. Năm học thứ 5, biết đến Dự án 585 của Bộ Y tế, tôi chủ động đăng ký tham gia. Sau đó, được biết tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé đang thiếu bác sĩ chuyên ngành nhi nên tôi tiếp tục học 3 năm chuyên ngành nhi ở Trường Ðại học Y Hà Nội, rồi mới lên Mường Nhé thực hiện nhiệm vụ”.

Sau hơn một năm công tác ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Hiếu đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn, vất vả. Mường Nhé là huyện nghèo, khó khăn nằm trong 62 huyện nghèo cả nước, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng về ngôn ngữ, phong tục nên bác sĩ trẻ phải tự học hỏi, thích nghi để hiểu và có thể giao tiếp với bà con. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé còn thiếu về nhân lực nên Hiếu luôn cố gắng làm việc cả nội khoa, nhi khoa, sơ sinh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm... Ðể làm được những việc đó, Hiếu đều phải học tập, nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác chẩn đoán, điều trị. Trải qua những vất vả, khó khăn đã giúp Hiếu được rèn luyện, trưởng thành trong công việc và luôn dốc sức cứu chữa bệnh nhân. 

Nói về bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Toán Bình Việt cho biết: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song bác sĩ Hiếu luôn cố gắng vượt qua và hết mình vì người bệnh. Hiếu cũng là bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến trong khám, chữa bệnh cũng như giao tiếp tốt với người bệnh và tận tình trong công việc. Nhờ vậy, Hiếu luôn nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và sự tin tưởng, yêu quý của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; từng bước giúp trung tâm tạo dựng niềm tin nơi người bệnh.  

Từ tinh thần nhiệt huyết của 2 bác sĩ trẻ: Ðinh Huệ Quyên và Nguyễn Văn Hiếu, chúng ta có thể nhận thấy, dự án đưa bác sĩ trẻ về các cơ sở y tế vùng cao là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Bởi ở vùng sâu, vùng xa luôn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh rất hạn chế. Có các bác sĩ trẻ được đào tạo trình độ cao về hỗ trợ sẽ mở ra cơ hội tốt để hệ thống y tế cơ sở được tiếp cận, nâng cao trình độ chuyên môn; giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn, giảm tải tình trạng phải vượt tuyến, bớt vất vả, tốn kém cho nhân dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quang Hưng
Bình luận
Back To Top