Không tự ý điều trị khi bị chấn thương

09:00 - Thứ Ba, 16/04/2019 Lượt xem: 6348 In bài viết

ĐBP - Việc người dân tự ý điều trị bằng bài thuốc dân gian từ cây, con vật khi bị chấn thương không còn xa lạ ở tỉnh ta. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu biết, sử dụng đúng các bài thuốc này để chữa trị bệnh mà ngược lại, nhiều trường hợp gây ra biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng vì sự lạm dụng, chủ quan của chính người bệnh và gia đình.

 

Cán bộ y tế Bệnh viện Ða khoa tỉnh chăm sóc vết thương bị phù nề, hoại tử cho bệnh nhân tự ý điều trị chấn thương tại nhà trước khi đến cơ sở y tế.

Ngày 3/4 vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân Giàng Giống K. (60 tuổi, thường trú tại huyện Ðiện Biên Ðông) trong tình trạng nguy kịch: sưng nề và hoại tử vùng bàn, cẳng tay trái; suy thận độ 3B, nhiễm khuẩn huyết. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó 3 ngày, ông K. bị dao cắt khá sâu vào bàn tay trái khi đốn củi trong rừng. Ông K. đã dùng lá rừng để cầm máu và băng bó, không đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị vết thương. Sau khi đắp lá, vết thương xuất hiện sưng nề, hoại tử, ông K. sốt cao, sức khỏe yếu nên được gia đình đưa tới Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Theo các bác sĩ cho biết, nếu không được đưa đến cơ sở y tế và điều trị kịp thời, tình trạng bệnh của ông K. có nguy cơ phải cắt cụt chi, nghiêm trọng có thể gây tử vong. Sau khi điều trị tích cực bằng bù dịch, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch, cấy máu, bệnh nhân đã giảm sưng nề hoại tử mô mềm vùng bàn, cẳng tay trái, cải thiện tình trạng suy thận, nhưng bệnh nhân đã cao tuổi nên sức khỏe hồi phục chậm.

Ths. Bs Nguyễn Thế Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, khuyến cáo: Khi gặp tai nạn thương tích, người bệnh cần kiểm soát được tình trạng mất máu của vết thương, đảm bảo sát khuẩn, tránh gây nhiễm khuẩn. Ðặc biệt, khi bị thương, người dân không nên tự ý điều trị ở nhà, hoặc điều trị tại các cơ sở y tế kém chất lượng để tránh những hậu quả đáng tiếc như suy đa phù tạng (thận, gan), nhiễm khuẩn huyết, uốn ván... đe dọa tới tính mạng. Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.

Các cơ sở y tế trên địa bàn hàng năm tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân vào viện điều trị với các biến chứng nguy hiểm của việc sử dụng thuốc nam, lá cây, sản phẩm từ động vật rừng (như tiêm mật gấu) khi bị các chấn thương nhỏ, như: vết thương hở, gãy xương, bong gân, đau nhức xương khớp/phần mềm... Các chấn thương này có thể nhanh chóng phục hồi, bảo đảm sức khỏe của người bệnh nếu được điều trị đúng và kịp thời nhưng do tự ý xử lý tại nhà nên vết thương ngày càng lan rộng và sâu hơn, sưng tấy, hoại tử... Khi tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng rồi thường mới được người nhà đưa đến bệnh viện, không chỉ phải chịu đau đớn, tốn kém chi phí chữa trị mà nhiều trường hợp còn bị tàn phế suốt đời hay đe dọa đến tính mạng.

Ðể bảo vệ sức khỏe chính mình, tùy vào độ nghiêm trọng của thương tích, người bệnh có thể xử lý bước đầu tại chỗ rồi đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, đúng cách; không chủ quan đối với các loại chấn thương, các vết thương hở, không tùy tiện sử dụng các loại lá, rễ cây, con rừng, không nghe đồn thổi, truyền miệng mà sử dụng sai cách thức dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top