Lao trẻ em - những triệu chứng không thể chủ quan

15:42 - Thứ Tư, 17/04/2019 Lượt xem: 6960 In bài viết

Mặc dù trẻ khi sinh ra đều được tiêm vaccine phòng bệnh lao, nhưng một số trường hợp do bỏ sót không tiêm chủng hoặc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, nên nguy cơ nhiễm lao ở trẻ em rất cao, có thể dẫn tới những biến chứng.

 

Các bệnh nhi nằm điều trị lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương hiện đang điều trị cho nhiều ca mắc lao ở độ tuổi thiếu nhi. Một bệnh nhi đang nằm viện có người trong gia đình có tiền sử bệnh lao. Tuy nhiên, người thân trong gia đình đã chữa khỏi và nghĩ rằng nguy cơ lây không còn nên gia đình chủ quan không cách ly. Khi em bé sốt, ho nhiều ngày không đỡ, thăm khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương mới biết con mình mắc lao. Nhiều ca bệnh khác do lây nhiễm lao trong cộng đồng, đi khám nhiều nơi vì sốt ho dai dẳng không tìm ra bệnh. Chỉ đến khi vào Bệnh viện Phổi Trung ương, mới biết các em bị mắc lao.

BSCK2 Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ở trẻ em, triệu chứng lao khó nhận vì không đặc hiệu, dễ nhầm với bệnh hô hấp, nhiễm trùng khác.

“Triệu chứng không đặc hiệu là khó khăn lớn để xem trẻ có dấu hiệu lâm sàng mắc lao hay không. Tỷ lệ tìm thấy vi khuẩn lao trong các loại bệnh phẩm trẻ em hầu như rất thấp và không có tiêu chuẩn vàng chẩn đoán. Điều đó làm phụ huynh các em lưỡng lự không biết mắc lao hay không nên chậm trễ trong chẩn đoán”, BS Ngoạn cho hay.

Theo đó, những dấu hiệu ở trẻ mà gia đình nên nghĩ tới mắc lao là ho sốt kéo dài hơn 10 ngày, gầy sút cân, ăn kém, ra mồ hôi trộm ban đêm, quấy khóc. Khi sử dụng liệu pháp kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhưng các triệu chứng trên giảm ít hoặc không thay đổi. Nếu trẻ trong gia đình có người bị mắc lao phổi thì đây là dấu hiệu quan trọng nghĩ ngay đứa trẻ mắc lao.

Phát hiện sớm lao ở trẻ em quan trọng vì khi phát hiện sớm, trẻ đang ở mức nhiễm lao hay lao tiềm ẩn thì điều trị dự phòng làm giảm tỷ lệ từ nhiễm sang mắc bệnh. Nếu phát hiện sớm trẻ ở giai đoạn lao sơ nhiễm, điều trị sớm tránh được biến chứng như lao kê, lao màng phổi, xương khớp… “Nếu phát hiện sớm, có thể chữa khỏi hoàn toàn lao sơ nhiễm; lao tiềm ẩn giảm tỷ lệ chuyển từ nhiễm sang mắc. Với lao màng não là một thể lao nặng nếu chẩn đoán và điều trị sớm sớm, tỷ lệ tử vong chỉ còn 30%, 50% ca bệnh khỏi để lại di chứng nặng nề và 20% ca sẽ khỏi”, BS Ngoạn nói.

Nếu phát hiện muộn, lao sẽ để lại di chứng nặng như liệt, động kinh, khiếm thính, khiếm thị, gù vẹo cột sống... tạo gánh nặng cho cả gia đình và gánh nặng cho cả xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ và giống nòi sau này.

Theo BS Ngoạn, một trong những lý do phát hiện chậm lao ở trẻ là do rào cản gia đình. “Có gia đình khi ông bà, bố mẹ mắc lao nhưng không cho con cháu đi khám vì suy nghĩ bản thân đã điều trị, không thể lây cho cháu. Tuy nhiên, từ khi bị bệnh đến khi phát hiện điều trị là giai đoạn nguy hiểm và dễ lây nhất, còn khi phát hiện và điều trị lây khó. Đây là rào cản về suy nghĩ khiến chậm trễ trong việc cho các cháu đi phát hiện và tầm soát lao”, BS Ngoạn khuyến cáo.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, đa số trẻ dưới 5 tuổi không là nguồn lây vì ho khạc kém, không có khả năng thải vi khuẩn ra ngoài. Với trẻ hơn 5 tuổi khả năng ho khạc đờm tốt, nếu xét nghiệm đờm dương tính sẽ có khả năng lây mạnh.

Để phòng lao cho trẻ và tránh tỷ lệ nhiễm mắc có nhiều biện pháp, nhưng quan trọng nhất là trẻ sau sinh phải được tiêm phòng lao đầy đủ, có miễn dịch chủ động bảo vệ các em.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top