Đưa vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng: Có đáp ứng yêu cầu?

14:49 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 7870 In bài viết
Để trẻ có thêm cơ hội phòng bệnh, Bộ Y tế vừa đưa thêm vắc xin mới “5 trong 1” DPT - VGB - Hib vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho trẻ. Cùng các vắc xin hiện có, việc đưa vắc xin mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng có bảo đảm an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân là vấn đề được đặc biệt quan tâm? Bởi, trên thực tế, vẫn có một bộ phận người dân đã đưa con đi tiêm dịch vụ, thậm chí không tiêm phòng.

Thêm sự lựa chọn, nâng tỷ lệ tiêm phòng

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại điểm tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) vào ngày 28-5 cho thấy, có rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến đây để tiêm vắc xin dịch vụ. 

 

Một bà mẹ cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra vắc xin trước khi tiêm tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội).

Bế con gái 4 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Ngọc (28 tuổi, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) chia sẻ, do vắc xin dịch vụ “5 trong 1” đã hết, nên chị chuyển sang tiêm vắc xin “6 trong 1” cho con. Trước câu hỏi của phóng viên: Chương trình tiêm chủng mở rộng có triển khai tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBE Five, vì sao không đưa con ra trạm y tế để tiêm? Chị Ngọc cho biết, tiêm vắc xin dịch vụ cho yên tâm, không lo tai biến...

Còn chị Phạm Thị Huệ (25 tuổi ở đường Láng, quận Đống Đa), vì không thể chờ đợi vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, nên đã quyết định cho con tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBE Five tại trạm y tế. Chị Huệ cũng cho biết, do lo ngại xảy ra biến chứng, nên gia đình chị muốn cho con tiêm vắc xin dịch vụ. 

Tuy nhiên, nhiều lần đưa con đi tiêm phòng, nhưng không tiêm được vì hết vắc xin, sợ tiêm muộn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phòng bệnh, nên chị lại đưa con ra trạm y tế. Sau khi tiêm vắc xin ComBE Five, sức khỏe con chị hoàn toàn bình thường, chị thấy yên tâm.

Từ cuối năm 2018, vắc xin ComBE Five được đưa vào thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem để phòng 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) cho trẻ nhỏ. Trong quá trình triển khai, đã xảy ra một số trường hợp phản ứng sau tiêm, khiến tỷ lệ tiêm vắc xin ComBE Five đạt thấp. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lo ngại, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã tiêm vắc xin ComBE Five cho hơn 60.000 trẻ, đạt tỷ lệ 54%, thấp hơn so với các vắc xin khác. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn xảy ra ở các tỉnh, thành phố khác.

Thực tế đã chứng minh, năm nào tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp là năm đó dịch bệnh tăng cao. Đơn cử như năm 2013, do xảy ra một số phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế đã quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin này trong hơn 5 tháng, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp, khiến dịch sởi gia tăng mạnh vào năm 2014, làm hơn 17.000 trường hợp mắc, trong đó có hơn 100 trẻ tử vong. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong, có tới hơn 98% trẻ chưa tiêm chủng, hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, trên thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 trường hợp mắc sởi, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái, mà nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin xuống thấp…

Để tăng sự lựa chọn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, Bộ Y tế vừa quyết định đưa thêm vắc xin “5 trong 1” DPT - VGB - Hib do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc xin mới có thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương vắc xin ComBE Five, được cấp phép lưu hành, sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010. 

Đến nay, đã có hơn 600 triệu liều DPT - VGB - Hib được sử dụng tại 79 quốc gia. Từ tháng 5 đến tháng 7-2019, vắc xin DPT - VGB - Hib được tiêm thí điểm tại 6 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre, Kon Tum, trước khi triển khai trên cả nước. Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib cho 1.280 trẻ và không ghi nhận trường hợp nào bị tai biến nặng.

Vắc xin có độ an toàn cao

Từ 6 vắc xin cơ bản dành cho trẻ em dưới 1 tuổi được triển khai từ năm 1985, đến nay, Việt Nam đang lưu hành khoảng 30 loại vắc xin. Riêng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có 12 loại vắc xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm phổ biến như: Lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm não Nhật Bản…

 

Tiêm chủng cho trẻ tại điểm tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm cho biết, vắc xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất, song không có một loại vắc xin nào sau khi tiêm chủng lại không có phản ứng. Có hiện tượng tiêm cùng một lô vắc xin, nhưng có trẻ có phản ứng sau tiêm rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người, chứ không phải do chất lượng vắc xin. 

Ngoài ra, phản ứng sau tiêm có thể gặp ở những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác trong thời điểm tiêm chủng. Hiện tại, Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc xin ComBE Five, vì vắc xin này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu đến hết năm 2019, chưa phải bổ sung thêm vắc xin mới DPT - VGB - Hib.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ phản ứng sau tiêm đối với vắc xin “5 trong 1” dịch vụ và trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là như nhau. Còn tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại vết tiêm của vắc xin “5 trong 1” dịch vụ thấp hơn, vì trong vắc xin đó có thành phần ho gà vô bào, trong khi vắc xin “5 trong 1” của Chương trình tiêm chủng mở rộng có thành phần ho gà toàn tế bào, nên dễ gây phản ứng mạnh hơn. Tuy nhiên, thành phần ho gà toàn tế bào lại cho hiệu quả miễn dịch, bảo vệ trẻ tốt hơn.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vắc xin có tác dụng phòng bệnh cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng mới gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Nếu trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao (hơn 95%), thì dù mầm bệnh xâm nhập, nhưng do có ít đối tượng bị nhiễm, dịch bệnh không thể lan rộng. 

Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ. Thậm chí, có những dịch bệnh đã bị xóa sổ, có nguy cơ quay trở lại.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các địa phương cần tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng an toàn, thực hiện khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm chủng và tư vấn cho các bà mẹ theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top