Nhân rộng trạm y tế xã điểm: Cần gỡ nút thắt về nhân lực và tài chính

08:55 - Thứ Tư, 20/11/2019 Lượt xem: 8573 In bài viết

Chỉ có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tạo điều kiện cho tuyến y tế cơ sở phát triển thì mới giảm tải được các bệnh viện tuyến Trung ương.

Bộ trưởng đến thăm trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Đến thăm trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội – một trong 26 trạm y tế xã điểm triển khai theo nguyên lý y học gia đình trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là một trong những trạm y tế triển khai hiệu quả nhất mô hình này trong thời gian khoảng 1 năm thí điểm.

BS Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng trạm y tế xã Tân Hội chia sẻ, Tân Hội là xã có dân số lớn nhất huyện Đan Phượng, trên 5.000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 bệnh nhân đến thăm khám và điều trị, tăng gấp đôi so với trước khi triển khai thí điểm mô hình này. Tính đến ngày 31/10/2019, trạm y tế xã đã tiếp nhận 74 đầu danh mục trang thiết bị y tế do Bộ Y tế cấp và đã đi vào hoạt động hiệu quả.

Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã phân công 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện E, Bệnh viện Châm cứu Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng bác sĩ của Trung tâm y tế huyện về công tác luân phiên định kỳ tại trạm y tế xã. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã phê duyệt gần 1.100 danh mục kỹ thuật, trong đó có hơn 400 danh mục vượt tuyến cho trạm y tế. Danh mục thuốc đã và đang sử dụng có 140 loại thuốc, trong đó có 7 loại thuốc tăng huyết áp và 4 loại thuốc đái tháo đường.

Mỗi ngày trạm y tế xã Tân Hội khám và điều trị cho khoảng 50-60 bệnh nhân, tăng gấp đôi so với trước khi thực hiện thí điểm. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Với nhân lực 10 người gồm 1 bác sĩ, 4 y sĩ, 2 điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ, đến nay, trạm y tế đã tổ chức khám và quản lý sức khoẻ 97% tổng số dân trong xã. Trạm cũng đã triển khai khám chữa bệnh y học cổ truyền, thực hiện châm cứu, xoa bóp, bấp huyệt cho người dân ngay tại trạm. Đã có 342 bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, thực hiện trên 11.300 thủ thuật về y học cổ truyền. Trạm y tế cũng đã triển khai siêu âm 317 lượt, xét nghiệm 450 lượt; lập hồ sơ quản lý 492 bệnh nhân tăng huyết áp và 145 bệnh nhân tiểu đường, triển khai tiêm chủng cho 280-300 trẻ/tháng…

Từ thực tiễn triển khai thời gian qua, BS Trần Thị Mai Hương cho biết, mô hình trạm y tế điểm là mô hình tốt, thực sự phù hợp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân ngay tại cơ sở, đồng thời trình độ của nhân viên y tế của trạm được nâng cao. Điển hình, thu nhập của nhân viên lao động tại trạm hiện nay tăng gấp 3 lần so với năm 2018.

Tuy nhiên, BS Trần Thị Mai Hương cũng cho biết, nếu nhân rộng mô hình này, khó khăn đầu tiên đó là thiếu nhân lực, nếu thiếu bác sĩ tại chỗ sẽ không thể thực hiện các danh mục kỹ thuật. Trong khi, các trạm y tế xã chưa thu hút được các bác sĩ tự nguyện về công tác, việc khám và tư vấn phát hiện sớm bệnh cho những người có yếu tố nguy cơ chưa được thực hiện rộng rãi vì chưa được BHYT chi trả, công tác thanh toán BHYT vẫn còn khó khăn, các danh mục kỹ thuật chỉ được hưởng 70%...

Lễ ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với một số lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố về việc triển khai mở rộng mô hình thí điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thời gian tới.Ảnh: VGP/Thúy Hà

Một số lãnh đạo Sở Y tế các địa phương cũng chia sẻ, hiện tại các cơ sở có chương trình đào tạo bác sĩ gia đình còn hạn chế, bác sĩ đa khoa thì chỉ thực hiện kỹ thuật có chứng chỉ hành nghề, nếu thực hiện kỹ thuật khác thì không được BHYT chi trả…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, khó khăn trên là những khó khăn chung của các trạm và chúng ta cần phải quyết tâm vượt qua. Bước đầu, hiệu quả của các trạm y tế xã điểm theo nguyên lý gia đình rất tốt. Vì vậy, Bộ Y tế đang đề nghị các tỉnh nhân rộng mô hình này.

“Nếu thiếu bác sĩ thì phải luân chuyển từ tuyến huyện, tuyến tỉnh, thậm chí một số nơi có thể có bác sĩ Trung ương về hỗ trợ. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ có đề án tăng cường bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở nhằm tăng cường chăm sóc ban đầu và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cơ sở. Về tài chính, cơ quan BHXH và cơ sở điều trị phải thống nhất chuyển thuốc và số thẻ BHYT cho tuyến xã”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành danh mục và giá đối với các dịch vụ y tế dự phòng mà trước đây và hiện nay chưa có, để tăng cường tính tự chủ về các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Cùng ngày, tại UBND huyện Đan Phượng, Bộ Y tế đã tổ chức lễ ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với một số lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố về việc triển khai mở rộng mô hình thí điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thời gian tới.

P.V (Theo baochinhphu)
Bình luận
Back To Top