Buông lỏng quản lý các cơ sở làm đẹp

09:04 - Thứ Tư, 20/11/2019 Lượt xem: 7944 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP. Ðiện Biên Phủ các cơ sở làm đẹp phun xăm thẩm mỹ “mọc lên như nấm sau mưa” đáp ứng nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của đại bộ phận chị em.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào do việc làm đẹp gây ra, nhưng những tình huống “dở khóc, dở cười” thì không hiếm. Có trường hợp có nhu cầu xăm lông mày đến cơ sở thiếu uy tín, non kinh nghiệm khiến cho việc làm đẹp bị phản tác dụng. Nhiều trường hợp khác tin những lời quảng cáo, giới thiệu trên mạng xã hội hoặc lời rỉ tai của người thân để rồi nhận lấy “trái đắng” của việc đi thẩm mỹ. Ðiều đáng nói là các cơ sở này vô tư hoạt động, đăng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội nhưng lại chưa có chế tài quản lý cụ thể.

Ông Nguyễn Châu Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: Ngành Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ và các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có sử dụng thuốc tê dạng tiêm. Còn đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khác, như: Phun xăm, thêu trên da... chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, 10 ngày trước khi hoạt động có thông báo đủ điều kiện hoạt động gửi đến Sở Y tế là được phép hoạt động. Các điều kiện bao gồm: Có địa điểm cố định; bảo đảm điều kiện về phòng cháy chữa cháy; có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở... Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Tuy nhiên, hiện nay mới có 8 cơ sở chăm sóc sắc đẹp (7 cơ sở ở TP. Ðiện Biên Phủ, 1 cơ sở ở huyện Tủa Chùa) gửi thông báo hoạt động tới Sở Y tế. Hoạt động thanh, kiểm tra các cơ sở này đều được giao cho các Phòng Y tế địa phương thực hiện. Ngoài ra, trong quy định không hề nói rõ cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề nào có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo cho các cá nhân hành nghề phun xăm, thẩm mỹ nên cũng rất khó để quản lý.

Như vậy có thể thấy, việc quản lý các cơ sở phun, thêu, xăm thẩm mỹ đang bị bỏ ngỏ. Trong thực tế có nhiều người đang làm công việc khác nhưng thấy mảnh đất này “màu mỡ” cũng đi học nghề vài tháng sau đó trưng biển thẩm mỹ, spa để phục vụ nhu cầu làm đẹp. Ðó là còn chưa kể đến việc các cơ sở có thực sự vệ sinh, sử dụng các loại kim xăm, mực xăm… có đảm bảo an toàn như quảng cáo?! Về cơ bản, các hoạt động phun xăm thẩm mỹ không xâm lấn nhiều nên mức độ nguy hiểm không quá lớn. Tuy nhiên, việc nới lỏng trong quản lý lại dễ tạo điều kiện cho các cơ sở này lén lút thực hiện “chui” một số dịch vụ làm đẹp khác có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như tiêm chất làm đầy (filler, botox), nhấn mí, cắt mí, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm chức năng làm đẹp kém chất lượng…

Ðến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hay thẩm mỹ viện nào được cấp phép hoạt động. Tất cả các hoạt động “lấn sân” sang lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ đều là hoạt động “chui” và rất có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân. Khi có ý định đi làm đẹp, nhất là thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn, chị em phụ nữ cần biết bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ cơ sở làm đẹp nào được cấp phép hoạt động, có bác sĩ, nhân viên y tế được cấp chứng chỉ hành nghề hay không để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top