Khó khăn trong xử lý chất thải y tế tại tuyến xã

08:53 - Thứ Tư, 04/12/2019 Lượt xem: 10228 In bài viết

ĐBP - Chất thải y tế là chất thải từ các hoạt động khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế, nếu không được thu gom, phân loại, xử lý đúng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực xử lý chất thải y tế; song do nguồn kinh phí đầu tư cho viêc này còn hạn hẹp, nên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn bất cập, nhất là ở tuyến y tế cơ sở.

Ðoàn giám sát HÐND tỉnh giám sát Quy trình xử lý chất thải y tế rắn tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo.

Toàn tỉnh hiện có 5 bệnh viện tuyến tỉnh,10 Trung tâm Y tế (quản lý 9 bệnh viện tuyến huyện, 17 phòng khám Ða khoa khu vực), tuyến xã có 130 trạm y tế. Số giường bệnh công lập toàn tỉnh đạt 1.879 giường. Theo số liệu thống kê đến tháng 10/2019, trung bình 1 ngày các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thải 427,2m3 nước thải y tế; chất thải thông thường 3,02 tấn/ngày; chất thải nguy hại 0,35 tấn/ngày.

Ông Tạ Văn Hiền, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Hiện nay, 5/5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố có bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải y tế theo Công nghệ vi sinh của Nhật Bản. Với phòng khám đa khoa khu vực (ÐKKV) hiện 2 phòng khám có hệ thống xử lý nước thải; 9 Phòng khám có bể thu gom lắng đọng để thu gom và xử lý nước thải y tế bằng hóa chất khử khuẩn; 6 phòng khám xử lý ban đầu bằng hóa chất khử khuẩn rồi cho vào hệ thống nhà vệ sinh tự hoại của đơn vị. Trạm y tế tuyến xã, 5 trạm có hệ thống xử lý nước thải y tế; 50 Trạm có bể thu gom lắng đọng để thu gom và xử lý nước thải y tế bằng hóa chất khử khuẩn; 75 trạm thu gom thủ công xử lý ban đầu bằng hóa chất khử khuẩn rồi cho vào hệ thống nhà vệ sinh tự hoại của đơn vị.

Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đầu tiên được triển khai xử lý rác thải y tế nguy hại bằng công nghệ hấp tiệt khuẩn kết hợp nghiền cắt. Ông Trịnh Ðức Long, Giám đốc Trung tâm cho biết: Từ khi có hệ thống xử lý rác thải nguy hại bằng công nghệ hấp tiệt khuẩn kết hợp nghiền cắt đi vào hoạt động đến nay, tình hình xử lý rác thải y tế nguy hại trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, đảm bảo môi trường sống cho cán bộ nhân viên y tế và người dân trên địa bàn. Trung bình 1 năm Trung tâm xử lý khoảng 1.035kg chất thải lây nhiễm sắc nhọn; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn 6.615kg/năm... Việc phân loại, thu gom chất thải nguy hại, xử lý bằng công nghệ không đốt được thực hiện hàng ngày, đốt rác bằng lò đốt 2 ngày/lần. Tại 3 Phòng khám ÐKKV và 19 Trạm Y tế xã, thị trấn các đơn vị vận chuyển chất thải nguy hại ra bệnh viện Trung tâm xử lý. Việc xử lý chất thải y tế tuyến xã hiện nay trên địa bàn huyện còn những bất cập khó khăn. Nhất là việc xử lý các rác thải y tế lây nhiễm (bông, băng dính máu, dịch của bệnh nhân) vẫn bằng hình thức đốt và chôn lấp tại chỗ; các vật sắc nhọn lây nhiễm (bơm kim tiêm...) cho vào hộp kháng thủng đến cuối tháng các cán bộ trạm y tế về giao ban tại Trung tâm Y tế huyện tranh thủ vận chuyển về trung tâm để xử lý. Việc vận chuyển chủ yếu bằng xe máy, giao thông đi lại khó khăn (có trạm y tế xã cách trung tâm huyện trên 20km); thời gian lưu trữ lâu, quá trình vận chuyển không đảm bảo, đây là nguồn có nguy cơ lây bệnh trực tiếp ra môi trường rất cao...

Ðối với huyện Nậm Pồ, đây là địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử chất thải y tế; hiện nay, 18/18 cơ sở y tế trên địa bàn đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn theo quy định; 2/16 cơ sở y tế có hệ thống thu gom xử lý nước thải. Các chất thải y tế không phải là vật sắc nhọn đều phải xử lý bằng đốt thủ công; các chất thải là vật sắc nhọn ở các cơ sở y tế được thu gom trong các bể xây. Anh Lèng Văn Quyết, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chà Tở cho biết: Hiện nay, bình quân 1 ngày đơn vị thực hiện khám, chữa bệnh cho 10 lượt bệnh nhân. Trung bình 1 tháng lượng rác thải lây nhiễm (bông, băng, găng tay dính dịch, máu của bệnh nhân...) thải ra 0,5kg; vật sắc nhọn lây nhiễm, chất thải rắn (bơm kim tiêm, vỏ bao bì, hóa chất, vỏ vắc xin) 3kg... Hàng ngày Trạm thực hiện phân loại rác thải ngay tại phòng tiêm, phòng thủ thuật. Tuy nhiên, sau khi phân loại các rác thải nguy hại cũng chỉ được xử lý bằng cách tẩm dầu đốt, cùng với các rác thải thông thường sau đó đem chôn lấp. Việc chôn lấp được thực hiện ngay trong khuôn viên của Trạm. Ðối với rác thải sắc nhọn, bơm kim tiêm, vỏ vắc xin cho vào bể bê tông đập vụn và đốt...

Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc sở Y tế cho biết: Hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 5/130 trạm y tế tuyến xã có hệ thống xử lý nước thải y tế; 64/130 trạm có lò đốt thủ công và hố bê tông; 66 trạm y tế đang xử lý đốt thủ công và chôn lấp thông thường. Khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế tại tuyến xã hiện nay là thiếu cơ sở vật chất; các trạm y tế chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý rác thải y tế đi kèm (ngoại trừ một số trạm mới được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây) dẫn đến kết quả chưa cao như mong đợi. Bởi 100% các trạm y tế đều đã thực hiện đúng quy trình phân loại rác ngay tại nơi phát sinh. Nhưng biện pháp xử lý cuối cùng vẫn chỉ là tự đốt, chôn lấp hoặc vận chuyển về các Trung tâm Y tế có hệ thống xử lý. Quy trình chôn lấp hoặc đốt rác của các trạm y tế còn rất thô sơ, gần khu dân cư, hầu hết đều không đạt chuẩn. Khi đốt gây ô nhiễm khói, bụi và nhiều chất độc hại cho những người sống xung quanh; về lâu dài viêc chôn lấp rác sẽ ngấm vào nguồn nước ở khu dân cư... Ðể khắc phục những tồn tại, khó khăn trên, trong thời gian tới, Ngành Y tế ưu tiên, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây hệ thống xử lý nước thải y tế, các lò đốt thủ công, các hố bê tông xử lý rác thải y tế tại các xã chưa có theo đúng quy định. Xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn các huyện theo công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước; đặc biệt phối hợp với các sở, ban, ngành sớm triển khai xây dựng Bệnh viện Ða khoa và hệ thống xử lý rác thải y tế trên địa bàn huyện Nậm Pồ…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top