Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

09:02 - Thứ Hai, 30/03/2020 Lượt xem: 7948 In bài viết

ĐBP - Thời tiết giao mùa mưa, nắng thất thường, gió lạnh, độ ẩm cao là những yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, trong 2 tháng đầu năm toàn huyện có 3.128 lượt trẻ đến khám bệnh (trong đó, điều trị ngoại trú và kê đơn cho 2.483 lượt; điều trị nội trú 699 lượt).

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thăm khám cho bệnh nhi.

Có mặt tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ) những ngày giữa tháng 3, theo quan sát của chúng tôi, có khá đông bệnh nhân đến khám, điều trị. Anh Thào A Phổng, bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng chăm con đang điều trị tại Trung tâm cho biết: Cháu nhà tôi được 4 tháng tuổi, nhập viện từ ngày 20/3; khi vào viện cháu có quấy khóc, bú ít, ho từng cơn khò khè... các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi - theo dõi viêm não. Hàng ngày cháu được các bác sĩ theo dõi điều trị cho dùng kháng sinh kết hợp, đến nay tình trạng bệnh của cháu đã thuyên giảm. Sau theo dõi, bác sĩ kết luận cháu không bị viêm não. Dự kiến 5 ngày nữa cháu sẽ được xuất viện.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính của đường thở (từ tai, mũi, họng, thanh quản, khí quản cho đến phổi). Bệnh thường có biểu hiện ho không quá 30 ngày. Ðây là bệnh phổ biến, là nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Có 2 loại nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính: Viêm hô hấp trên là viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng, thường do virus, nếu chăm sóc tốt đa số trẻ sẽ khỏi. Viêm hô hấp dưới gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Triệu chứng thường thấy nhất là ho dưới 30 ngày, có thể kèm theo sốt hoặc không. Ngoài ra còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như: Ðau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, thở khò khè... Triệu chứng sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh (trẻ dưới 2 tháng nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên; trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên).

Bác sĩ Chuyên khoa I Lò Thị Thanh Hợp, Trưởng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong những bệnh có nguy cơ tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi nếu không được điều trị kịp thời. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 13/19 trẻ bị tử vong do bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Nguyên nhân chủ yếu do gia đình chủ quan trong việc điều trị, đa phần các ca tử vong đều tử vong tại nhà hoặc trên đường đến viện; khi nhập viện bệnh nhân đã trong tình trạng toàn thân tím tái, suy hô hấp nặng... Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 40 - 50 lượt bệnh nhân nhi đến khám; do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị nội trú đối với các ca nặng, các trường hợp còn lại cấp thuốc, hướng dẫn điều trị tại nhà.

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ. Trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ biếng ăn, trẻ suy dinh dưỡng là những trẻ có hệ miễn dịch yếu nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Ngoài ra, khi trẻ ăn uống kém, cơ thể trẻ không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ lại là nguyên nhân khiến sức đề kháng của trẻ bị suy yếu và đó là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ dàng bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

Ðể chủ động phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ, cha mẹ, người thân cần chú ý: Ðảm bảo cho trẻ bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt; thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng; chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Ðể trẻ trong phòng đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt; giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, không khí ô nhiễm, không khí lạnh. Bác sĩ Chuyên khoa I Lò Thị Thanh Hợp cũng khuyến cáo, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi thấy các dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn hô hấp để được khám, kiểm tra sức khỏe và điều trị kịp thời.

Với những trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nhưng vẫn ở mức có thể chăm sóc tại nhà; người chăm sóc lưu ý: Tiếp tục cho trẻ ăn hoặc cho bú nhiều lần hơn, không kiêng ăn; cho trẻ uống đủ nước; dùng thuốc điều trị sốt, ho theo hướng dẫn của bác sĩ. Người chăm sóc không lạm dụng thuốc kháng sinh; vệ sinh làm thông thoáng mũi giúp trẻ dễ thở, dễ bú hơn.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top