Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

Quan trọng là nhận thức của phụ huynh

10:04 - Thứ Hai, 04/05/2020 Lượt xem: 7293 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối cao. Nguyên nhân tử vong chủ yếu được xác định là do các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Ðể giảm tỷ lệ mắc, tử vong vì căn bệnh này ở trẻ em, cùng với sự nỗ lực của hệ thống y tế các cấp thì quan trọng hơn hết là sự quan tâm, hiểu biết, không chủ quan khi phòng và điều trị bệnh cho con của các bậc phụ huynh.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một nhóm bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương viêm cấp tính ở một phần hay toàn bộ hệ thống đường hô hấp kể từ tai, mũi, họng cho đến phổi, màng phổi. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có tỷ lệ mắc bệnh cao, chiếm 30 - 35% tổng số các bệnh, và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là viêm phổi. Các yếu tố nguy cơ, dễ gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là: Trẻ sinh ra có cân nặng thấp (dưới 2,5kg); suy dinh dưỡng; không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ; ô nhiễm nội thất, khói bụi trong nhà, khói thuốc lá; thời tiết lạnh, thay đổi...

Ngoài các yếu tố trên, thì nhà ở chật chội, thiếu vệ sinh, thiếu vitamin A cũng là những điều kiện làm trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp của bệnh là: Ho, sốt, chảy nước mũi, nhịp thở nhanh, rút lõm lồng ngực, thở khò khè, thở rít. Bác sĩ Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thường có diễn biến nhanh nếu không được chăm sóc, điều trị đúng. Tại địa bàn tỉnh ta, nguyên nhân trực tiếp khiến tỷ lệ trẻ tử vong cao là vì không được điều trị kịp thời. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn chủ quan, không quan tâm đến biểu hiện, tình trạng bệnh; còn chữa bệnh tại nhà, chữa bệnh bằng cúng bái. Ðến khi bệnh trở nặng, bệnh nhân tím tái mới đưa đến cơ sở y tế thì đã muộn, khó cứu chữa, hồi phục.

Bệnh viện Phổi tỉnh được giao nhiệm vụ tham mưu cho Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em. Nhiều lớp tập huấn chuyên môn về phòng, trị bệnh này đã được tổ chức cho đội ngũ y tế cơ sở, trung bình mỗi năm 2 - 4 lớp, mỗi lớp 30 người. Cùng với đó, tăng cường giám sát và đánh giá, đến tận gia đình có trẻ em tử vong để tìm hiểu, xác định nguyên nhân. Các hoạt động đều lồng ghép truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông tại các xã, bản vùng cao. Nhờ đó, một vài năm trở lại đây, số trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được khám, điều trị tại các cơ sở y tế tăng, tỷ lệ tử vong giảm dần.

Ðể phòng, trị bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính hiệu quả, bác sĩ Lê Văn Lương nhắc nhiều đến vai trò của phụ huynh: “Cần nâng cao nhận thức của phụ huynh, đặc biệt là người mẹ về các dấu hiệu bệnh, dấu hiệu khi bệnh trở nặng nguy hiểm (ăn kém, ngủ ít, sốt, ngủ gà, da xanh, bụng chướng…) để kịp thời đưa trẻ đi thăm khám, điều trị kịp thời. Khuyến cáo khi chăm sóc trẻ mắc bệnh cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, vệ sinh sạch sẽ, uống đúng và đủ thuốc được bác sĩ kê. Hơn nữa cần cho trẻ ăn đảm bảo dinh dưỡng, uống nhiều nước hoặc bú nhiều hơn bình thường; giảm ho, làm dịu đau họng bằng các loại thuốc đông y không gây độc hại như quất hấp đường, hoa hồng hấp đường, mật ong; lau sạch làm thông mũi…

Ðể phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em, cần làm tốt công tác quản lý thai nghén, đảm bảo sinh nở an toàn, trẻ không bị đẻ non, thấp cân; nuôi trẻ bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ sau khi đẻ càng sớm càng tốt; ăn uống một cách khoa học đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đủ vitamin đặc biệt là vitamin A; tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ; không đun bếp lửa trong nhà, không hút thuốc trong buồng trẻ; giữ ấm cho trẻ về mùa đông và khi thay đổi thời tiết…

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top