Rào cản thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

09:04 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 9408 In bài viết

ĐBP - Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến cuối năm 2019, tất cả bệnh viện trên cả nước phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên hiện nay nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đến khám, chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ và các ứng dụng di động để thanh toán viện phí, chưa có thẻ ngân hàng...

Mặc dù Bệnh viện Y học cổ truyền đã lắp đặt thiết bị thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, song nhiều người dân vẫn chủ yếu thanh toán viện phí bằng tiền mặt. Trong ảnh: Người dân thanh toán viện phí bằng tiền mặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền.

Ít sử dụng dịch vụ

Nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, cuối tháng 10/2019, Sở Y tế đã có công văn đề nghị các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh các bước thực hiện theo lộ trình của Bộ Y tế. Ðến nay trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị là Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ trên; Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa và Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đang thực hiện mua sắm, lắp đặt thiết bị phục vụ thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt. Còn lại 11 đơn vị chưa triển khai. Việc áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi phải thực hiện thủ tục khám chữa bệnh; các bệnh viện giảm nhân lực cho thanh toán viện phí, đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán bằng tiền mặt... Tiện lợi là vậy, song theo khảo sát của phóng viên ở những đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đang nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ ngày 1/3, BVÐK tỉnh đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với hai hình thức, một là sử dụng thẻ ATM để thanh toán viện phí thông qua máy quẹt thẻ POS, hai là áp dụng thanh toán qua điện thoại di động bằng mã vạch (QR code). Tuy nhiên, sau gần 3 tháng triển khai, với 3 máy POS được lắp đặt (2 máy tại quầy thanh toán, 1 máy tại Khoa Nhi) đến nay mới phát sinh 16 giao dịch. Tương tự, với hình thức thanh toán qua điện thoại di động bằng mã vạch, tính đến ngày 18/5 cũng chỉ thực hiện được 23 giao dịch với doanh số thanh toán trên 56 triệu đồng. So với tần suất trung bình 1 ngày bệnh viện có khoảng 200 lượt người đến khám, chữa bệnh thì tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt còn thấp.

Theo ý kiến đại diện lãnh đạo BVÐK tỉnh, bên cạnh vướng mắc trong việc kết nối giữa phần mềm thanh toán của ngân hàng với hệ thống phần mềm thông tin của bệnh viện hiện nay chưa đồng bộ thì nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn giữ thói quen tiêu tiền mặt. Hiện nay đa số người đến khám chữa bệnh có thu nhập từ thấp đến trung bình, nhiều người làm nông nghiệp hoặc sống tại khu vực miền núi, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, thậm chí nhiều người còn mơ hồ với khái niệm thẻ, tài khoản.

Tình trạng người dân không mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt cũng xảy ra tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Mặc dù được trang bị từ tháng 11/2019, tuy nhiên sau gần 7 tháng đưa vào sử dụng đến nay chiếc máy quẹt thẻ POS dùng để thanh toán viện phí tại đây mới có 2 lượt người sử dụng. Lý giải tình trạng trên, Bác sĩ Nguyễn Trọng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết: Người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện có 80% là người nghèo thuộc khu vực 1, 2 được miễn phí tiền khám chữa bệnh và cán bộ hưu trí; nhiều người ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại nên vẫn còn tâm lý e ngại với các ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi vậy, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại đơn vị còn rất hạn chế.

Một nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế cũng khiến người dân ít biết đến dịch vụ này.

Cần giải pháp gỡ vướng

Từ khi tiến hành khảo sát, xây dựng phương án và giải pháp triển khai kế hoạch thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt ở các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương, chi nhánh tỉnh Ðiện Biên (Vietinbank Ðiện Biên) đã xác định những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình triển khai. Nhất là đối với các bệnh viện tuyến huyện, do địa bàn cách xa, thói quen không sử dụng tiền mặt chưa phổ biến, trình độ dân trí không đồng đều nên việc triển khai các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ càng khó khăn hơn. Trước thực tế đó, Vietinbank Ðiện Biên thực hiện theo hướng ưu tiên tại các đô thị, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi, ngân hàng đã miễn phí giao dịch các dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong vòng 6 tháng cho các đơn vị y tế thực hiện ký kết hợp đồng. 

Ông Vũ Duy Linh, Phó phòng Khách hàng doanh nghiệp, Vietinbank Ðiện Biên cho biết: Thời gian tới, đơn vị cũng sẽ phân công người đến các bệnh viện để tuyên truyền cũng như hỗ trợ người dân và bệnh viện trong việc thanh toán. Ðể nâng cao tiện ích hơn nữa cũng như khắc phục tình trạng nhiều người không có thẻ tài khoản ngân hàng, trong năm 2020, đơn vị sẽ triển khai thêm hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là thẻ khám bệnh. Theo đó, các bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện sẽ được mở tài khoản và đăng ký Thẻ khám chữa bệnh để thanh toán viện phí. Chiếc thẻ khám chữa bệnh này sẽ tích hợp cả thẻ ngân hàng với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội như: Lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc; nạp tiền và rút tiền...

Không phải bây giờ hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mới được áp dụng ở địa bàn tỉnh ta. Năm 2016, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã ký hợp đồng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp đặt máy POS để triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên sau 1 năm triển khai, chỉ có 5 lượt người sử dụng dịch vụ với số tiền viện phí thanh toán khoảng 8 triệu đồng. Vì không hiệu quả nên Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã ngừng triển khai dịch vụ trên.

Ðể việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt thực sự có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông. Bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán; ngân hàng cần bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top