Chủ động phòng, chống bệnh cúm

09:19 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 7921 In bài viết

ĐBP - Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3.340 trường hợp mắc bệnh cúm. Trong đó, một số huyện có nhiều ca mắc bệnh, như: Tuần Giáo (609 trường hợp), Mường Chà (551 trường hợp), Ðiện Biên (523 trường hợp), Ðiện Biên Ðông (465 trường hợp)... Ðáng chú ý, trong tháng 1 và tháng 2/2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Mường Nhé với 36 ca mắc bệnh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh với 41 ca bệnh. Mặc dù, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được tư vấn, điều trị kịp thời, không có trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong; song trước mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của bệnh, ngành Y tế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cúm.

Cán bộ Trạm Y tế xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) thăm khám, tuyên truyền phòng chống bệnh cúm cho người dân bản Huổi Luông.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Cúm (hay còn gọi là cúm mùa) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút cúm gây ra. Bệnh thường khởi phát đột ngột, bắt đầu với những triệu chứng như sốt, ho, đau nhức bắp thịt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, mệt mỏi toàn thân... Một vài trường hợp có thể ói mửa và tiêu chảy, nhưng triệu chứng này thường xảy ra với trẻ em hơn là người lớn. Thông thường bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, có trường hợp chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn có thể khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp... Cúm là bệnh hết sức phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải, song đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận... Vi rút cúm có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm bệnh. Ðây là nguyên nhân khiến cúm rất dễ lây lan nơi đông người, nếu không phòng ngừa hiệu quả, cúm có thể lây lan thành dịch.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh cúm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để bệnh lây lan ra diện rộng. Tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời cho các trường hợp mắc bệnh, tránh tình trạng bệnh nhân bị biến chứng nặng. Mặt khác trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; lồng ghép vào các buổi họp thôn, bản; xây dựng các bài truyền thông phòng, chống dịch bệnh bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông, Thái để tuyên truyền cho người dân; đăng bài, thông tin về phòng chống dịch bệnh qua fanpage của đơn vị; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của huyện, xã; lồng ghép vào các chương trình mục tiêu y tế, dân số; cấp phát hàng nghìn tờ rơi, áp phích tuyên truyền về dịch bệnh cho các địa phương. Ngoài ra, Trung tâm đảm bảo đầy đủ về cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo người dân cách phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm. Cùng với đó, người dân cần tạo thói quen rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người... Khi người thân trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ có biểu hiện mắc bệnh cúm cần quan tâm chăm sóc đúng cách hoặc đưa ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Ðức Thái
Bình luận
Back To Top