Nỗi lo bệnh truyền nhiễm mùa hè

15:16 - Thứ Hai, 01/06/2020 Lượt xem: 7226 In bài viết

Nắng nóng và mưa khiến các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B, cúm gia tăng. Phòng tránh là biện pháp quan trọng mà mỗi người dân cần chủ động thực hiện để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Tạo thói quen rửa tay đúng cách thường xuyên cho con trẻ để ngăn ngừa dịch bệnh.

Sốt xuất huyết rục rịch “vào mùa”

Hiện tại, các bệnh truyền nhiễm mùa hè như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, cúm đang rình rập tấn công sức khỏe người dân.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 100 nghìn trường hợp mắc; riêng năm 2019 cả nước ghi nhận hơn 320 nghìn trường hợp mắc (cao nhất trong 32 năm trở lại đây), trong đó có 53 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng khiến nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải, việc điều trị càng trở nên khó khăn.

Tại Hà Nội, mỗi năm ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao hơn so với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Năm 2019, toàn thành phố ghi nhận 12.256 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Còn trong năm 2020, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến thời điểm hiện tại Hà Nội ghi nhận 137 ca sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Các ca mắc sốt xuất huyết rải đều các xã, phường, trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Với bệnh tay chân miệng, các chuyên gia cảnh báo khi trẻ trở lại trường học, nếu các biện pháp vệ sinh không được bảo đảm, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh rất dễ bùng phát khi hè tới - thời gian cao điểm từ tháng 5 tới tháng 8. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mỗi năm ghi nhận khoảng 1.000 - 1.200 ca mắc viêm não vi rút. Đáng lưu ý, số nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản vào khoảng 200 - 300 trường hợp/năm. Đây là bệnh có diễn biến nặng, chủ yếu tấn công trẻ dưới 15 tuổi.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25 - 35%). "Bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau một ngày là bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, hôn mê. Do vậy, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới các biểu hiện khác thường của trẻ", ông Trần Minh Điển lưu ý.

Không được chủ quan

Trường hợp một bệnh nhân ở Gia Lâm, Hà Nội, vừa qua mắc sốt xuất huyết song có các dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 khiến hàng trăm người phải cách ly cho thấy giữa hai bệnh này có sự tương đồng ở một vài triệu chứng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hay mắc Covid-19, triệu chứng những ngày đầu khó phân biệt được bởi đều có biểu hiện sốt. Do đó, nếu bệnh nhân sốt, ho, tốt nhất nên tự cách ly, mang khẩu trang, liên hệ nhân viên y tế tuyến gần nhất để có hướng thăm khám, điều trị.

Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị cần thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch. Cần tổ chức tốt công tác tiêm chủng để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, cung ứng đủ số lượng vắc xin, rà soát đối tượng tiêm bù, tiêm vét. “Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường, phun hóa chất tại các khu vực nguy cơ cao”, ông Hoàng Đức Hạnh thông tin thêm.

Còn với bệnh viêm não Nhật Bản, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc chủ động tiêm vắc xin. Chuyên gia khuyến cáo, các phụ huynh có con trong độ tuổi 1 - 5 cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Ngoài ra, phụ huynh tại các vùng nguy cơ cao cần chủ động cho trẻ tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản (miễn phí cho trẻ 6 - 15 tuổi).

Về bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên biết con đường lây lan của bệnh là nước bọt, phân, giọt bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc dịch từ mụn nước... để có biện pháp phòng tránh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ là điều quan trọng bậc nhất, đặc biệt là giữ gìn tay chân sạch sẽ. Cha mẹ nên rèn cho con thói quen rửa tay trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, người lớn cần duy trì thói quen trên trước khi cho bé ăn, sau khi thay tã cho trẻ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top