Bài học nào khi Bắc Kinh tái bùng phát Covid-19

10:09 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 8298 In bài viết

Nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, Việt Nam và nhiều nước có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 như những gì mà Bắc Kinh đang phải trải qua.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. (Ảnh: Bộ Y tế)

Sáu ngày trước (11-6), Bắc Kinh xác nhận ca nhiễm mới tại quận Tây Thành, chỉ sau vài ngày thành phố này hạ mức ứng phó khẩn cấp đại dịch bệnh xuống cấp độ 3. Khi ấy, cũng là thời điểm Bắc Kinh đã 56 ngày không có ca nhiễm mới. Chỉ hai ngày sau đó (ngày 13-6), thành phố này có thêm 36 người được xác định bị nhiễm Covid-19. Tất cả những trường hợp đều liên quan ổ dịch mới tại khu chợ bán buôn Tân Phát Ðịa lớn nhất ở Bắc Kinh.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc tái bùng phát ở Bắc Kinh là một bài học cảnh báo cho các nước. “Trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nếu chúng ta chỉ cần lơ là, không làm tốt việc ngăn chặn dịch xâm nhập vào Việt Nam, không phát hiện kịp thời các ca bệnh nếu có, dịch sẽ bùng lên. Do đó, Việt Nam phải tăng cường giám sát, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Phu nói.

Phân tích về những gì đang diễn biến tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Trần Đắc Phu nói, Bắc Kinh trước cũng là một nơi chống dịch tốt nhất tại Trung Quốc, họ cũng trải qua 56 ngày không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng giờ họ đang phải đối mặt với một thử thách mới.

Việt Nam cũng đã có 62 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm lây lan trong cộng đồng. Đó là một tín hiệu vui. Nhưng sự lơ là, chủ quan thì đang diễn biến ở rất nhiều nơi, điển hình là dường như chúng ta đã bỏ qua các bước được khuyến cáo như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khử khuẩn, thực hiện việc sống và làm việc trong “điều kiện mới” …

Nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu khi tình hình dịch trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập rất cao. Tại các khu cách ly tập trung, trong những chuyến bay trở về gần đây vẫn ghi nhận những ca mắc rải rác. Sáng nay, Việt Nam cũng ghi nhận một ca mắc mới trở về từ Kuwait.

Do đó, ông Trần Đắc Phu cho rằng, bây giờ chưa phải là thời điểm mở cửa với khách du lịch quốc tế, chỉ mở chuyến bay với các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại hoặc đón công dân Việt Nam trở về nước.

“Việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu thời điểm này. Tất cả các ca nhập cảnh đều phải được cách ly phù hợp và thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. Tôi cho rằng chúng ta cũng không nên lơ là giám sát các trường hợp có triệu chứng nghi mắc như sốt, ho, khó thở… Các cơ sở y tế vẫn tiếp tục thực hiện khai báo y tế, giám sát người bệnh chặt chẽ để phân luồng ngay khi bệnh nhân có triệu chứng nghi mắc Covid-19”, ông Phu nói.

Đặc biệt, khi Việt Nam đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, người dân vẫn không được chủ quan mà bỏ qua các khuyến cáo của ngành y tế trong chống dịch. “Tôi khuyến cáo người dân vẫn cần chú ý đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng tập trung đông người. Rửa tay sát khuẩn cũng phải được thực hiện thường xuyên để giúp cho chính bản thân được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2”, ông Phu nói.

Trước một số khuyến cáo mới đây về việc virus này có thể sống ở môi trường đông lạnh trong nhiều giờ, hoặc có thể lây lan trên dao thớt, thịt sống, ông Phu khuyến cáo người dân cần phải thực hiện ăn chín, uống sôi và cần sử dụng những thực phẩm rõ nguồn gốc.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top