Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7): Vì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

10:02 - Thứ Tư, 01/07/2020 Lượt xem: 7780 In bài viết

Vì mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, từ năm 2009, Chính phủ quyết định lấy ngày 1-7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Từ đó đến nay, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống, số người tham gia bảo hiểm y tế không ngừng gia tăng. Tất cả hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95% dân số vào năm 2025.

Bảo hiểm y tế đang khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia

Những ngày cuối tháng 6-2020, gia đình chị T.L.N. (huyện Đan Phượng) đưa con trai là cháu L.B.A. (28 tháng tuổi) vào Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp tục điều trị căn bệnh u não. Vừa chăm sóc con, chị N. vừa kể, gia đình phát hiện cháu A. mắc bệnh hiểm nghèo khi cháu mới 14 tháng tuổi. Trải qua 14 đợt hóa trị và 2 cuộc phẫu thuật, sức khỏe của cháu A. cải thiện từng ngày.

“Toàn bộ chi phí điều trị bệnh cho cháu lên tới hàng trăm triệu đồng, được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT), gia đình tôi không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để chữa bệnh cho cháu”, chị N. chia sẻ.  

Được hỗ trợ thẻ BHYT theo nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, anh N.V.T. (huyện Ứng Hòa) đã được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả 100% kinh phí điều trị bệnh rối loạn đông máu di truyền, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Trường hợp cháu A. và anh T. chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ BHYT. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, cả nước có 70 bệnh nhân được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả từ hơn 1 tỷ đến hơn 2 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú. Chỉ riêng năm 2019, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện đầy đủ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho 186 triệu lượt người và trong 6 tháng đầu năm 2020, có khoảng 100 triệu lượt người được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT, với tổng số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Nhận thấy những lợi ích thiết thực, số người tham gia BHYT không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2009, số người tham gia BHYT mới đạt 45% dân số, thì đến nay, đã có hơn 85 triệu người tham gia BHYT, chiếm gần 89% dân số.

“Gia đình tôi có 5 thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình từ năm 2019. Hiện tại, số tiền bảo hiểm y tế gia đình tôi phải đóng là gần 215.000 đồng/tháng, chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền khám, chữa bệnh về tim mạch cho một lần điều trị của riêng cá nhân tôi khi chưa tham gia BHYT”, bà Nguyễn Thị Thanh (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cho biết.

Đồng bộ các giải pháp thu hút người dân tham gia

Mục đích cao nhất của BHYT là góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Đây là chính sách an sinh xã hội nên số tiền người dân phải đóng khi tham gia BHYT không cao, nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi.

Tính ưu việt của BHYT đã được khẳng định; các cơ quan chức năng cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Thế nhưng, việc thu hút người dân tham gia BHYT vẫn gặp không ít khó khăn. Theo Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào, hiện một số tỉnh, thành phố chưa bố trí được ngân sách để hỗ trợ mức đóng BHYT cho hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên…. Vì vậy, đến nay vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu 100% nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên tham gia BHYT.

Nhằm thu hút người dân Thủ đô tham gia BHYT, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu đúng về chính sách BHYT, từ đó có ý thức, trách nhiệm tham gia, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và góp phần chia sẻ với cộng đồng.

Trong khi đó, theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, để hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về chính sách sao cho phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh, tạo sự tin tưởng cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, giúp người dân hiểu rõ BHYT là chính sách an sinh xã hội, do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hy vọng số người tham gia BHYT sẽ đạt tỷ lệ 90,7% dân số vào cuối năm 2020 và tăng lên 95% vào năm 2025.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top