Phòng, chống bệnh tay chân miệng

14:57 - Thứ Hai, 06/07/2020 Lượt xem: 7047 In bài viết

ĐBP - Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Ðiện Biên Phủ, từ tháng 3 đến nay trên địa bàn đã có gần 20 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp mắc bệnh đều là trẻ em dưới 5 tuổi tập trung ở các xã: Mường Phăng, Nà Nhạn, Nà Tấu.

Cán bộ TTYT TP. Ðiện Biên Phủ tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh tay chân miệng cho người dân.

Anh Mùa A Vành, bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn chia sẻ: Con tôi bị sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng nên gia đình phải đưa cháu đến TTYT thành phố điều trị và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Sau một tuần được chăm sóc, điều trị, bệnh của cháu đã khỏi và được xuất viện vào cuối tháng 6 vừa qua. Mặc dù, tất cả các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đều được phát hiện và điều trị kịp thời, không có trường hợp trẻ bị tử vong hoặc biến chứng nặng, song trước mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan của bệnh, TTYT TP. Ðiện Biên Phủ đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bác sỹ Quàng Thị Vân, Trưởng khoa Truyền nhiễm (TTYT TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 8 - 9 hàng năm. Bệnh thường lây truyền qua đường phân, miệng và tiếp xúc trực tiếp. Trong đó, con đường lây nhiễm phổ biến nhất là thông qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, giao tiếp) hoặc qua tiếp xúc trực tiếp từ các nơi chứa dịch nhiễm như mũi, họng, nước bọt, dịch từ nốt phỏng, từ các chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ mà người có mầm bệnh đã sử dụng. Bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Khi mới phát bệnh trẻ có dấu hiệu như cảm cúm thông thường: Mệt mỏi, đau họng, sốt nhẹ... Sau 2 ngày những triệu chứng này giảm đi, dấu hiệu của bệnh tay chân miệng mới bắt đầu xuất hiện. Trẻ sẽ có những nốt mụn nước trên da trong khoang miệng (lưỡi, má trong), lòng bàn tay và bàn chân. Mụn nước còn xuất hiện ở mông hoặc quanh hậu môn. Một thời gian sau, các mụn nước này vỡ ra gây loét rộng vết hở làm trẻ đau đớn, các bậc cha mẹ cần giữ vệ sinh vết thương hở này tránh để nhiễm trùng. Bệnh tay chân miệng có khả năng tự khỏi sau 5 - 7 ngày, tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi... dẫn đến tử vong.

Ðể ngăn ngừa, phòng chống bệnh tay chân miệng, TTYT TP. Ðiện Biên Phủ đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời cho các trường hợp mắc bệnh. Tại những điểm có trẻ mắc bệnh, Trung tâm tổ chức phun hóa chất khử khuẩn nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Ðặc biệt, Trung tâm tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế các xã, phường trực tiếp xuống các thôn, bản, tổ dân phố để tuyên truyền cho người dân qua các cuộc họp; tổ chức các buổi truyền thông phòng chống dịch bệnh tại các xã, trường học; kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài ra, Trung tâm lồng ghép tuyên truyền trong các buổi tiêm chủng, chương trình mục tiêu y tế - dân số; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh...

TTYT TP. Ðiện Biên Phủ cũng khuyến cáo người dân, do bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các bậc cha mẹ cần chủ động phòng bệnh cho con bằng các biện pháp: Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải được vệ sinh sạch sẽ; thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ ủ bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... Khi phát hiện trẻ có biểu hiện mắc bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top