Cần tiếp tục duy trì đội ngũ nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản

08:58 - Thứ Tư, 15/07/2020 Lượt xem: 9308 In bài viết

ĐBP - Một trong những vấn đề được quan tâm, đưa ra bàn thảo, quyết định trong Kỳ họp thứ 14, HÐND tỉnh khóa XIV đang diễn ra là quy định chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh. Thực tế từ ngày 1/1/2020, không còn được hưởng phụ cấp, đội ngũ y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản tất cả các xã đều đã nghỉ việc, gây khó khăn và áp lực không ít cho y tế tuyến xã trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các chương trình mục tiêu y tế, dân số tại từng thôn, bản.

Cô đỡ thôn, bản của xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai trong bản. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tại xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên), từ khi đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản không hoạt động, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng giảm từ trên 95% (năm 2019) xuống 91,6% (số liệu đến hết tháng 6/2020); 4 - 5 trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà không báo, phải 1, 2 tháng sau đội ngũ y tế và chính quyền xã mới nắm bắt được; những ca tử vong cũng không cập nhật kịp thời… Hua Thanh có 10 bản, có những bản xa trên 18km đường đất; hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, còn tồn tại những phong tục lạc hậu. Trong khi đó nhân lực y tế xã có 7 người, không thể trực tiếp đến từng bản nhiều lần trên tháng. Anh Ðàm Ngọc Bình, Trưởng trạm Y tế xã Hua Thanh cho biết: Chúng tôi có nhờ các trưởng bản tuyên truyền, thông báo người dân một số nội dung y tế như việc đưa con đi tiêm chủng đúng ngày quy định nhưng mức độ nhiệt tình và hiệu quả không được như mong muốn. Thực sự nếu không còn lực lượng nhân viên y tế thôn, bản thì rất khó khăn cho địa bàn vùng cao như xã Hua Thanh. Các vấn đề y tế, quản lý, cập nhật bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, tiêm chủng, dịch bệnh đều khó nắm bắt kỹ càng, kịp thời.

Ðây là tình trạng chung của các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh ta. Tại huyện Ðiện Biên Ðông, ông Cà Văn Nội, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cũng chia sẻ: Ðội ngũ y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản nghỉ việc khiến cho công tác nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn từng thôn, bản; triển khai các hoạt động y tế, đặc biệt là chăm sóc trẻ em gặp nhiều khó khăn, làm đứt gãy các hoạt động y tế từ thôn, bản lên. Việc phát hiện phụ nữ mang thai, theo dõi, chăm sóc trong thai kỳ bị ảnh hưởng, tác động xấu đến chất lượng dân số. Vì vậy rất mong HÐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này. Ðây là chính sách rất cần thiết để nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản tiếp tục hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở.

Trước thời điểm 1/1/2020, ngành Y tế tỉnh quản lý, chi trả phụ cấp cho 1.706 nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn bản. Trong đó có 1.504 nhân viên y tế thôn, bản (đã qua đào tạo từ 6 - 9 tháng); có 202 cô đỡ thôn, bản (đã qua đào tạo 6 tháng) được bố trí tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn mà cán bộ y tế thôn, bản là nam giới và nhận thức người dân địa phương còn hạn chế, duy trì phong tục lạc hậu không đến trạm y tế để sinh đẻ. Nhân viên y tế thôn, bản được hỗ trợ 0,5 lần mức lương cơ bản tại xã vùng khó khăn và 0,3 với các xã còn lại. Họ tham gia thực hiện hầu hết các hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân số ở thôn, bản, như: Chương trình dinh dưỡng; tiêm chủng, phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng; tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường; thực hiện ghi chép, báo cáo theo hướng dẫn của trạm y tế xã... Cô đỡ thôn, bản được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ bản, có nhiệm vụ: Tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai; định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà; hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình...

Với thực tế Ðiện Biên là vùng miền núi, biên giới, địa bàn rộng (có bản xa trung tâm xã đến 40km), khó khăn trong việc đi lại và triển khai các hoạt động phòng chống dịch; khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Biên chế cán bộ y, bác sĩ tại các trạm y tế tuyến xã đang còn bất cập về số lượng, thành phần biên chế (mỗi trạm y tế xã được định biên từ 5 - 6 cán bộ biên chế). Do vậy, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tuyến y tế cơ sở. Họ là đầu mối gần dân nhất, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe; giúp người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế. Việc duy trì hoạt động của đội ngũ này thực sự rất cần thiết đối với địa bàn Ðiện Biên trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản.

Trong kỳ họp 14, HÐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu xem xét, thảo luận vấn đề này với dự kiến mỗi thôn, bản sẽ được bố trí 1 nhân viên y tế với tiêu chí: Là thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; xa trung tâm xã từ 3km trở lên; nhân viên y tế thôn, bản phải là người thường trú ổn định trên địa bàn thôn, bản. Thôn, bản sẽ được bố trí 1 cô đỡ nếu đủ điều kiện bố trí nhân viên y tế và nhân viên y tế là nam giới. Mức hỗ trợ hàng tháng là 0,5 mức lương cơ sở cho nhân viên y tế và 0,3 mức lương cơ sở đối với cô đỡ thôn, bản. Nếu chính sách này được thực hiện thì từ năm 2021, tỉnh ta sẽ có 854 nhân viên y tế thôn, bản, 179 cô đỡ thôn, bản hoạt động. Mong các đại biểu của nhân dân sẽ đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế địa bàn, góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức người dân về y tế tại các địa bàn vùng cao, biên giới.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top