Không chủ quan với bệnh viêm não vi rút

08:21 - Thứ Hai, 14/09/2020 Lượt xem: 6512 In bài viết

ĐBP - Viêm não vi rút là tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 60 trường hợp viêm não do vi rút, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh viêm não vi rút.Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em trên địa bàn.

Biểu hiện chính của bệnh viêm não vi rút là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (bao gồm nhức đầu dữ dội, nôn mửa, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...). Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu, như: Nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), gồng cứng người khóc dỗ không nín, khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế. Viêm não cấp tính thường diễn biến từ 1 - 3 tuần, nếu hồi phục cũng rất chậm, phải từ vài tuần đến vài tháng người bệnh mới hồi phục được chức năng tối đa. Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng (đa phần là trẻ em dưới 5 tuổi), dẫn đến biến chứng và tử vong. Căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo, trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút herpes, các vi rút đường ruột.

Bác sĩ  Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trong 7 tháng năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 60 trường hợp mắc viêm não vi rút (tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2019). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc viêm não vi rút trên địa bàn tỉnh tăng. Vì đa phần đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế, chưa coi trọng việc tiêm chủng định kỳ cho con em mình. Điều kiện y tế tuyến huyện còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa đủ các phương tiện khoa học kỹ thuật để chẩn đoán bệnh viêm não vi rút và do vi rút nào gây ra. Do đó, các ca bệnh khi nhập viện, bác sĩ chỉ thực hiện điều trị theo các triệu chứng (sốt cao, co giật, hôn mê…) và theo dõi viêm não. Một số trường hợp khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên không kịp thời, gây khó khăn cho công tác điều trị. Bệnh viêm não vi rút hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu; dù có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại chứ không phải tất cả các vi rút. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân mắc bệnh này sẽ dễ bị viêm màng não, để lại di chứng, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não... nguy cơ tử vong cao.

Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não do vi rút, các bậc phụ huynh cần đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà; diệt muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi như: Chống muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay, đi tất che chân; tránh cho trẻ em chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh. Diệt muỗi bằng các chất phun diệt muỗi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà để loại bỏ nơi muỗi đậu và đẻ trứng; đậy kỹ các vật dụng chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng; loại bỏ các dụng cụ có khả năng đọng nước. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê …) phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top