Người dân vùng lũ đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh

16:49 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 6310 In bài viết

Các bệnh về đường tiêu hóa, cúm, sốt xuất huyết, cảm lạnh, đau mắt, bệnh da liễu, thiếu hụt dinh dưỡng là những bệnh lý dễ mắc đối với những người dân vừa hứng chịu trận lũ lụt tại miền trung. 

 (Ảnh minh họa)

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), trong điều kiện thời tiết mưa kéo dài, lũ lụt tại miền trung thời gian qua, môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề. 

Do đó, phòng chống dịch bệnh là điều mà người dân vùng ảnh hưởng bão lũ cũng cần đặc biệt quan tâm. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập sẽ bị ảnh hưởng, điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không bảo đảm, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh.

Trong đó, nổi bật người dân nơi đây sẽ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm. Ngâm nước kéo dài, thời tiết mưa lạnh, người dân cũng có nguy cơ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác. 

PGS, TS Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý thời điểm này, người dân phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, cúm.

Hiện nay, Bộ Y tế phân công sáu bệnh viện tuyến Trung ương và ba viện hỗ trợ y tế cho các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ.

Đối với công tác khám chữa bệnh: Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ cho tỉnh Hà Tĩnh; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên – Huế; Bệnh viện Ca Đà Nẵng hỗ trợ cho Thành phố Đà Nẵng; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam.

Đối với công tác phòng, chống dịch: Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường hỗ trợ cho các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Theo đó, thủ trưởng các đơn vị trên có trách nhiệm liên hệ với Sở Y tế các tỉnh/thành phố vùng lũ để cử các tổ, đội, tổ chức trực ban; duy trì lực lượng cơ động; dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện về cấp cứu y tế, vệ sinh môi trường và sẵn sàng tham gia ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương được giao.

Vụ Kế hoạch Tài chính (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế) có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh tám nguyên tắc vừa nêu, PGS Phu khuyến cáo người dân vùng lũ vẫn cần lưu ý việc đeo khẩu trang, để phòng dịch Covid-19, nhằm tránh tình trạng “dịch chồng dịch”.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top