Phòng bệnh cho trẻ trong mùa xuân

09:49 - Thứ Hai, 22/02/2021 Lượt xem: 5473 In bài viết

ĐBP - Thời tiết mùa xuân với mưa phùn và độ ẩm cao khiến vi sinh vật, nấm mốc phát triển mạnh và gây bệnh. Trong đó, trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy, vào mùa xuân trẻ hay mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, như: Sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A (H7N9), A (H5N1), tiêu chảy do vi rút rota, tay chân miệng...

Bệnh nhân điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Từ đầu năm đến nay, số lượng trẻ nhập viện tại Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm A, tiêu chảy do vi rút rota, thủy đậu, sởi... Theo bác sĩ Ðỗ Thị Lan Hương, Phó trưởng Khoa Nhi, hiện khoa tiếp nhận điều trị cho 15 - 20 bệnh nhi/ngày. Tổng số đang điều trị tại khoa là gần 70 bệnh nhi. Trong đó, phần lớn trẻ mắc các bệnh đường hô hấp (viêm mũi, họng, viêm VA, viêm amidan, viêm xoang). Nguyên nhân do khi thời tiết chuyển mùa cả người lớn và trẻ đều dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Với trẻ nhỏ, càng ít tuổi thì càng nhạy cảm với thời tiết, dễ mắc bệnh hơn trẻ lớn và người trưởng thành, khi mắc bệnh sẽ dễ chuyển bệnh nặng.

Với sự thay đổi thất thường của thời tiết trong những ngày tết cộng thêm việc bố mẹ cho con đi lại nhiều khiến trẻ rất dễ ốm và dễ lây các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, cúm A là bệnh mà nhiều trẻ nhỏ mắc phải trong thời điểm giao mùa đông - xuân vừa qua. Là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A gây nên, cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Biến chứng hay gặp nhất của cúm A là viêm phổi suy hô hấp, nặng hơn là viêm cơ tim, ngoài ra hiếm gặp là viêm màng não do vi rút. Dấu hiệu cúm A thường là trẻ bị sốt cao đột ngột trên 38oC không giảm, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn trớ…

Ngoài ra, thời tiết này khiến trẻ cũng dễ mắc một số bệnh về tiêu hóa và da (tiêu chảy, chàm, mày đay.…). Với bệnh tiêu chảy, trẻ có thể bị tiêu chảy thường hoặc tiêu chảy cấp. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng hoặc do vi rút rota. Trong đó, bệnh tiêu chảy do vi rút rota chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tiêu chảy ở trẻ em, thường gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa đông - xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch. Với bệnh chàm, thời tiết càng lạnh càng xuất hiện nhiều và tái phát, gây ngứa, trẻ hay quấy khóc và gãi chảy máu, rất dễ nhiễm khuẩn. Bệnh mày đay gây ngứa dữ dội, trẻ quấy khóc nhiều, đôi khi gây tiêu chảy do mày đay xuất hiện ở niêm mạc ruột gây kích thích tăng nhu động ruột.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như cúm, sởi, rubella, ho gà... là biện pháp phòng bệnh quan trọng. Cùng với đó, phải giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh; hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người và tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Thực hiện ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, cho trẻ ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ðồng thời, đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, xử trí kịp thời. Ðặc biệt, đối với trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy và có chỉ định điều trị thích hợp, không tự ý cho trẻ uống thuốc.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top