Vì sức khỏe, an toàn của nhân dân

08:55 - Thứ Sáu, 26/02/2021 Lượt xem: 6322 In bài viết

ĐBP - Dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Ngành Y tế tỉnh đang phải dồn sức, căng mình phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với vai trò là cơ quan thường trực, ngành Y tế đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch, góp phần ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Thanh lấy mẫu xét nghiệm trường hợp từ vùng dịch về địa phương. Ảnh: Diệp Chi

Ðợt 3 của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong đó có Ðiện Biên. Do đã nhận định sớm tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan vào tỉnh ta, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự chuẩn bị đề phòng các tình huống xấu nhất. Vậy nên khi xuất hiện ca dương tính, công tác điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch được tiến hành nhanh chóng. Với vai trò là đơn vị chuyên môn và thường trực phòng chống dịch, ngành Y tế đã kịp thời tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, điều hành và huy động toàn hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch. Việc giám sát dịch bệnh được ngành triển khai sớm. Nhân viên y tế tham gia các chốt chặn trực 24/24 giờ tại các tuyến đường huyết mạch, cửa khẩu, đường mòn lối mở; cán bộ y tế tham gia truy vết trường hợp F1, F2, khử khuẩn các địa điểm có nguy cơ; tuyên truyền người dân phòng chống dịch… Nhờ vậy mà đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, nhiều ngày liền không có ca nhiễm mới. Ðể làm được điều đó, đã có đóng góp quan trọng, trực tiếp của những chiến sĩ áo trắng, những người không ngại hiểm nguy sẵn sàng ở tuyến đầu chống dịch.

Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ nhanh chóng được UBND tỉnh thành lập, sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ để thu dung và điều trị cho các ca dương tính với SARS-CoV-2. Từ trước tết Nguyên đán đến nay, cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm đã không có ngày nghỉ, làm việc hết mình để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Trung tâm đã huy động gần như tối đa nhân lực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Ngoài lực lượng thường trực tại bệnh viện dã chiến, Trung tâm còn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn khẩn trương truy vết thần tốc các ca F1, F2 và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân khai báo y tế khi trở về từ vùng có dịch. Trong thời điểm cận tết Nguyên đán, lượng người từ nơi khác về tỉnh rất đông, cán bộ y tế cơ sở căng mình truy vết. Có những trạm y tế phải làm việc đến 2 giờ sáng mới truy vết được đối tượng để đưa về cách ly tập trung. Cùng với đó, Trung tâm cử một số cán bộ tăng cường cho xã Nà Nhạn để tham gia phong tỏa, cách ly bản Nà Nhạn 1, Nà Nhạn 2 - nơi có trường hợp F0 sinh sống. Những cán bộ này tết không được về nhà mà phải ở lại chốt chặn chống dịch… Ðây là những cố gắng rất lớn của cán bộ, y bác sĩ cùng với hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh.

Mọi năm, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đều tổ chức các hoạt động ôn lại truyền thống nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Nhưng năm nay thì khác, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện quyết định tạm dừng các hoạt động đó để tập trung cho công tác phòng chống dịch. Bác sĩ Trần Ðức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh chia sẻ: Dù đã được kiểm soát nhưng dịch bệnh vẫn có thể có những diễn biến phức tạp. Vậy nên, việc quan trọng và cấp bách của đơn vị hiện nay là thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và phòng, chống Covid-19. Bởi lượng bệnh nhân sau tết tăng lên nhiều hơn so với mọi năm, trung bình khoảng 500 bệnh nhân/ngày, có hôm lên tới 700 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân cần chăm sóc cấp 1. Với lượng bệnh nhân lớn như vậy, lại có nhiều bệnh nhân có bệnh nền nguy hiểm thì việc phòng, chống dịch bệnh là điều hết sức quan trọng. Bệnh viện đã yêu cầu các khoa, phòng triển khai đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động các phương án cụ thể để sẵn sàng ứng phó, cách ly, điều trị khi có bệnh nhân nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Ðồng thời, thực hiện phân luồng bệnh nhân ngay từ khâu tiếp nhận, khám và điều trị. Ngoài ra, Bệnh viện còn tăng cường hỗ trợ 6 bác sĩ, điều dưỡng cho Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ…

Trong ca trực ngày mùng 3 tết, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cùng các đồng nghiệp đón tiếp 12 bệnh nhân nhập viện, điều trị cho 67 bệnh nhân trong đó nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. Công việc vốn đã vất vả thì trong thời điểm dịch bệnh áp lực lại càng nhân lên gấp bội. Bác sĩ Ngân cho biết: Bây giờ chỉ tập trung cho việc đón tiếp, điều trị bệnh nhân an toàn. Khoa đã yêu cầu tất cả người nhà bệnh nhân đều phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đeo khẩu trang, sát khuẩn và hạn chế người vào thăm… Món quà lớn nhất với chúng tôi là sức khỏe, là sự an toàn của bệnh nhân trước đại dịch. Có như vậy thì dù không kỷ niệm, không tọa đàm ngày truyền thống nhưng chúng tôi đã có ngày 27/2 thực sự ý nghĩa.

Dẫu biết mỗi năm chỉ có một dịp để tôn vinh những đóng góp thầm lặng của chiến sĩ áo trắng cho xã hội. Thế nhưng với tình hình hiện nay thì tất thảy các y, bác sĩ đều dành toàn bộ thời gian, quyết tâm cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Họ sẵn sàng hy sinh niềm vui riêng để đem đến sự an toàn cho người dân. Món quà lớn nhất với họ lúc này là sự chung tay của người dân, cộng đồng và xã hội cùng ngành Y tế nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top