Gây dựng lại đội ngũ cô đỡ thôn, bản

12:50 - Thứ Bảy, 27/02/2021 Lượt xem: 7745 In bài viết

ĐBP - 20 cô đỡ từ các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, cách xa cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện đang trải qua những ngày học tập, thực hành tại Khoa Sản (Bệnh viện Ða khoa tỉnh). Sau 6 tháng đào tạo, các cô sẽ là những “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, giúp sức quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, sau đẻ và trẻ sơ sinh, hạn chế tai biến sản khoa tại các bản vùng cao.

Học viên lớp đào tạo cô đỡ thôn, bản thực hành tại Khoa Sản (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

1 năm lỡ nhịp

Năm 2020, đội ngũ cô đỡ thôn, bản (CÐTB) dừng hoạt động do không được chi trả phụ cấp theo Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND của HÐND tỉnh về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Trước đó, toàn tỉnh có 202 CÐTB (đã qua đào tạo 6 tháng) được chi trả phụ cấp tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn mà cán bộ y tế thôn, bản là nam giới và nhận thức người dân địa phương còn hạn chế, duy trì tập tục lạc hậu không đến trạm y tế để sinh đẻ. Nhiệm vụ của đội ngũ này là tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà; hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình...

Ðể “lấp chỗ trống”, cán bộ các trạm y tế tuyến xã phải đảm nhiệm nhiều công việc và sâu sát cơ sở hơn. Nhưng ở khu vực vùng cao, biên giới có nhiều thôn, bản cách xa trung tâm, trong khi biên chế các trạm y tế xã chỉ có từ 5 - 6 người nên việc bám bản, bám dân gặp không ít khó khăn, hạn chế. Như tại xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) nhiều bản xa trung tâm, hầu hết là người dân tộc thiểu số còn tồn tại các tập tục lạc hậu. Ngay trong 6 tháng đầu sau khi CÐTB dừng hoạt động, xã đã ghi nhận 5 trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà nhưng 1 - 2 tháng sau đội ngũ y tế và chính quyền xã mới nắm được. Ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa khác, khó tránh trường hợp phụ nữ mang thai có nguy cơ tai biến không được tư vấn, xử trí ban đầu và đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Vì vậy, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2020 là 31%o, tăng 3%o so với năm trước.

Với vai trò quan trọng đó, Nghị quyết 24/2020/NQ-HÐND, ngày 15/7/2020 của HÐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và CÐTB vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên được ban hành. Theo đó từ 1/1/2021, đội ngũ CÐTB hoạt động trở lại với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 0,3 mức lương cơ sở.

Khó khăn để gây dựng lại đội ngũ

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh đã tuyển dụng và duy trì hoạt động được 702 nhân viên y tế thôn, bản và 122 CÐTB. Còn 207 bản chưa bố trí được nhân viên y tế và 66 bản cần có CÐTB nhưng chưa sắp xếp được. Theo Nghị quyết, thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và cách xa trung tâm xã từ 3km trở lên mới được bố trí 1 nhân viên y tế thôn, bản. Ðối với thôn, bản có đủ tiêu chí bố trí nhân viên y tế và nhân viên y tế thôn, bản là nam thì được bố trí thêm 1 CÐTB. Tuy nhiên đến nay, nhiều địa bàn vẫn chưa bố trí được nhân lực thực hiện công tác này. Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã tận dụng các nguồn lực đầu tư, phối hợp tổ chức đào tạo nhiều CÐTB đáp ứng cơ bản nhiệm vụ tại cơ sở. Tuy nhiên năm 2020 khi không có phụ cấp, nhiều CÐTB nghỉ việc, đi làm ăn xa. Hơn 100 cô đỡ trong số được đào tạo đã đi làm ngoài địa bàn. Vì vậy, khi đầu mối các huyện rà soát, không còn đủ đội ngũ để quay trở lại hoạt động như trước.

Trước khó khăn đó, cô đỡ tại nhiều thôn, bản được tuyển mới, đồng nghĩa với yêu cầu phải đào tạo, bồi dưỡng mới. Lớp đầu tiên đã được tổ chức từ tháng 11/2020, đào tạo cho 20 CÐTB dưới sự chủ trì, phối hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế, Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Ðây là hoạt động thuộc Dự án Hỗ trợ CÐTB do Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế). Các cô, đỡ được đào tạo đợt này thuộc các huyện: Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông và Tủa Chùa. Tham gia học tập, CÐTB được hỗ trợ hoàn toàn chi phí ăn, ở, đi lại, tài liệu, dụng cụ học tập...; 2 tháng phụ cấp sau khi học; hỗ trợ theo từng ca phụ nữ mang thai, sinh nở mà cô đỡ tư vấn, vận động, chăm sóc.

Có cơ chế hỗ trợ rõ ràng và nhiều ưu đãi, quan tâm thế nhưng để tổ chức được khóa học này cũng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình “tuyển sinh”. Ban đầu Dự án phân bổ tuyển sinh đến nhiều huyện khó khăn như: Mường Nhé, Mường Chà nhưng các địa phương này không bố trí được nhân lực. 3 huyện đã tuyển sinh được cũng không dễ dàng, bản thì không có người đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo CÐTB, bản có người đủ điều kiện thì không có nguyện vọng tham gia hoặc gia đình không đồng ý. Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt cho biết thêm: Tiêu chí lựa chọn là nữ, đã lập gia đình, sinh sống ổn định, đọc viết thành thạo. Ngoài ra những CÐTB này cũng phải cam kết học xong tham gia công tác, phục vụ người dân của bản. Vì là những phụ nữ đã có chồng, con, là lao động chính trong gia đình nên việc vận động đi học 6 tháng liền không dễ. Các cán bộ tuyển sinh phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục cả học viên, cả chồng, bố mẹ chồng của họ. Trong quá trình học, chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ gần gũi với các học viên, hỗ trợ kịp thời các trường hợp đặc biệt để họ yên tâm học tập.

Trong khóa đào tạo này, riêng huyện Ðiện Biên Ðông có 14 CÐTB tham gia. Giàng Thị Co, bản Háng Giống, xã Pu Nhi - học viên khóa đào tạo, chia sẻ: “Em đã lập gia đình và có con nên hiểu được vất vả, nguy hiểm trong quá trình mang thai, sinh nở. Ở bản em vẫn còn nhiều người đẻ tại nhà, bản thân em cũng đã từng đỡ đẻ cho em dâu. Tuy biết là nguy hiểm nhưng đây là tập tục lâu đời chưa thay đổi được. Cách đây không lâu em còn chứng kiến 1 trường hợp đẻ tại nhà bị vỡ tử cung, may đưa đi viện cấp cứu kịp thời. Vì vậy khi có các cán bộ đến bản tìm người đi học làm CÐTB thì em đã xin ý kiến gia đình và đăng ký tham gia ngay”. Sùng Thị Lam, xã Pú Hồng cũng tham gia khóa đào tạo cho biết: Em lấy chồng sớm và đã có con nhỏ. Ðược gia đình đồng ý em đã gửi con nhờ bà ngoại trông để đi học. Tham gia lớp học này, em thấy rất ý nghĩa và cần thiết cho chính bản thân em và các phụ nữ trong bản. Em học được nhiều điều về chăm sóc, quản lý thai nghén, sinh đẻ an toàn, phát hiện các nguy cơ, tai biến, cách thức truyền thông để phụ nữ đến trạm y tế khám thai, sinh đẻ...

Năm 2021, dự kiến sẽ có thêm 1 lớp đào tạo CÐTB được mở tại tỉnh. Dự án cũng đã cam kết hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu, rà soát của tỉnh trong những năm tiếp theo. Ðây là cơ hội để đội ngũ CÐTB được gây dựng lại và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân nói chung, sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em nói riêng.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top