Sự ra đời của ngành công nghiệp dược phẩm là bước tiến vượt bậc của nhân loại. Dược phẩm tốt sẽ giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người.
Theo Diễn đàn đô thị - kinh tế - xã hội Việt Nam, dân số nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa với 95% người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và điều trị trong vòng 14 năm/người. Cùng với đó, môi trường sống ô nhiễm, tình trạng nhiều loại bệnh mới xuất hiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao... cho thấy tầm quan trọng của ngành Dược đối với xã hội.
Tuy nhiên, những năm qua, bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận, ngành Dược vẫn còn nhiều yếu kém. Việt Nam hiện thiếu hụt khoảng 7.000 dược sĩ làm việc tại các nhà thuốc; chỉ có 19% nhân lực ngành Dược có trình độ đại học trở lên; 81% có trình độ dưới đại học. Nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường. Ngành Dược Việt Nam chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị... và hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Nhân lực dược làm công tác dược lâm sàng tại các cơ sở điều trị còn yếu, thường là cán bộ kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên sâu, nên việc can thiệp vào chỉ định thuốc của bác sĩ còn hạn chế...
Trước thực trạng nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua đã đưa ra mục tiêu cho ngành Dược là từ nay đến năm 2030 tập trung phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế. Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.
Danh y Tuệ Tĩnh từng dạy: “Nam dược trị Nam nhân”. Tiếc là cho đến nay dù có những điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai để phát triển nguyên liệu cho ngành Dược nhưng chúng ta vẫn bị động và phải dựa vào nhập khẩu. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Y tế cần gấp rút nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành để phục vụ nghiên cứu phát triển thuốc. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nuôi trồng dược liệu để chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển lĩnh vực y dược cổ truyền...
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo số 112/TB-VPCP ngày 4-4-2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia về Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tiếp tục bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược. Quan trọng nhất là phải xác định rõ hướng đi, tận dụng cơ hội khi hội nhập ngày càng sâu rộng, có cách tiếp cận để ngành Dược Việt Nam từ trình độ trung bình hiện nay vươn lên mức cao hơn và đi nhanh lên hiện đại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, “phải đặt mình vào vị trí của người dân để nêu ra vấn đề cụ thể”, từ đó xem xét các mục tiêu phát triển ngành Dược. Có như thế, ngành Dược mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.