Những dấu ấn đáng tự hào

08:51 - Thứ Năm, 27/04/2023 Lượt xem: 2536 In bài viết

ĐBP - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều thành tựu to lớn; góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Niềm tự hào đó càng được khẳng định qua những chia sẻ tâm huyết của những người đã gắn bó, cống hiến và đồng hành cùng ngành qua các thời kỳ...

Đồng chí Phạm Xuân Kôi, nguyên Giám đốc Sở Y tế giai đoạn 2006 - 2008

Thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đồng chí Phạm Xuân Kôi tìm hiểu thông tin trên Báo Điện Biên Phủ.

Tháng 1/2004, tỉnh Điện Biên được tách ra từ tỉnh Lai Châu. Khắc phục những khó khăn, thách thức trong giai đoạn này, ngành Y tế tỉnh Điện Biên không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động; nhiều thành tựu của y học hiện đại đã được đội ngũ thầy thuốc của tỉnh ứng dụng hiệu quả để thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tự hào về những thành tựu đạt được, đồng chí Phạm Xuân Kôi, nguyên Giám đốc Sở Y tế cho biết: Một trong những kết quả nổi bật trong giai đoạn này là công tác y tế dự phòng, với các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Công tác phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, phòng chống phong - da liễu, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình... là những công việc thường quy trong hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện và xã. Nhờ đó, các mục tiêu trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân và chỉ số sức khỏe đã được cải thiện đáng kể như: Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 93%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 26,8% (năm 2004 là 32,3%); tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 44,6%o (năm 2004 là 48%o)...

Triển khai công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành Y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố đội ngũ cán bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến được nâng cao, hệ thống y tế xã, bản đã thực hiện được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền được thực hiện ngày càng hiệu quả, đặc biệt kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Cùng với đó, hệ thống y tế cơ sở được củng cố, đảm bảo 100% xã có trạm y tế, mỗi trạm y tế xã có từ 3 - 5 cán bộ. Phong trào thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã được đẩy mạnh. Thông qua những hoạt động chăm lo sức khỏe nhân dân của ngành, nhân dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, đóng góp của ngành Y tế cũng phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Đồng chí Lò Xuân Luyện, nguyên Giám đốc Sở Y tế giai đoạn 2000 - 2006

Thành công nhờ những nỗ lực vượt khó

Đồng chí Lò Xuân Luyện trò chuyện với phóng viên.

Tham gia công tác trong ngành Y tế từ năm 1971, tôi vẫn nhớ như in những khó khăn chồng chất mà công tác y tế khi đấy gặp phải. “Cơ sở vật chất hạn chế; hệ thống trạm y tế chưa hoàn chỉnh; đường sá xa xôi, hiểm trở; các loại bệnh dịch như sốt rét, ho gà, sởi, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh về mắt, bệnh phong... lưu hành phổ biến. Nhận thức của người dân về cách phòng, chống dịch bệnh vô cùng hạn chế; tập quán và những hủ tục còn tồn tại chính là thách thức rất lớn mà ngành Y tế phải đương đầu”.

Khó khăn là thế với tinh thần trách nhiệm “Lương y phải như từ mẫu” các y, bác sĩ đã không ngừng nỗ lực, cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mọi người cùng nhau men theo các con đường mòn đi xã, có xã xa phải đi bộ 7 ngày mới đến nơi. Bàn chân đi nhiều đến mỏi nhừ, đau nhức song ai cũng động viên nhau cố gắng, rồi thay phiên nhau gùi gánh thùng đựng vắc xin trên vai để xóa xã trắng về tiêm chủng. Vì dịch bệnh xảy ra phức tạp nên không chỉ thăm, khám sức khỏe cho người dân, mọi người trong đoàn còn đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Tôi còn nhớ lúc đó, nhiều người mắc phải bệnh sốt rét, nhất là khi lên cơn sốt rét ác tính thì nguy hiểm lắm. Không chỉ thế, dịch tiêu chảy do vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn cũng là vấn đề nhức nhối. Vì vậy, ngành Y tế đề cao phòng bệnh hơn chữa bệnh. Lúc ấy điều kiện kinh tế không như bây giờ nên việc phòng chống dịch chỉ bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn người dân ngủ màn, ăn chín uống sôi, làm nhà tiêu hai ngăn, vệ sinh tránh lây nhiễm, phát quang bụi rậm quanh nhà, phun hóa chất, tẩm màn diệt muỗi... Đơn giản vậy thôi nhưng rất có hiệu quả.

Vượt khó khăn thách thức, từ vùng sâu cho đến vùng xa, trên mọi nẻo đường rừng núi đã in đậm dấu chân và tấm lòng chia sẻ của những người thầy thuốc đối với nhân dân. Nhờ đó, ngành Y tế đã đạt được những kết quả tích cực như thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được dịch sốt rét, loại trừ bệnh phong khỏi cộng đồng.

Đồng chí Triệu Đình Thành, nguyên Giám đốc Sở Y tế giai đoạn 2008 - 2020

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Đồng chí Triệu Đình Thành.

 

Xác định rõ vai trò của nhân lực y tế, trong giai đoạn 2008 - 2020, ngành Y tế đã chú trọng công tác đào tạo, đảm bảo số lượng và cơ cấu cán bộ, cán bộ đại học, trên đại học, từng chuyên khoa phù hợp với từng đơn vị và từng tuyến. Đặc biệt, quan tâm đào tạo các đối tượng là người địa phương, người dân tộc thiểu số.

Khẳng định những kết quả đã đạt được và mong muốn ngành Y tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, đồng chí Triệu Đình Thành, nguyên Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Bên cạnh việc củng cố phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao công tác khám chữa bệnh, chủ động phòng ngừa dịch bệnh thì ngành Y tế cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ. Trong đó, quan tâm đến cán bộ quản lý các cấp từ tuyến tỉnh đến xã. Thực hiện đào tạo cán bộ chuyên môn các cấp đối với từng chuyên ngành phù hợp và phân công phù hợp theo chuyên ngành đào tạo, theo phân cấp bệnh viện nhằm phát huy tối đa, hiệu quả nguồn nhân lực.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top