Video

Na Cô Sa hôm nay

Thứ Hai, 08/08/2016 16:47 Lượt xem: 14674 In bài viết

ĐBP - Trở lại xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ vào những ngày đầu tháng 8, chúng tôi nhận ra nhiều thay đổi rõ rệt ở một xã khó khăn vào loại bậc nhất của huyện Nậm Pồ. Hơn 5 năm chia tách và thành lập, Na Cô Sa đã vươn mình phát triển từng ngày, giờ đây diện mạo bản làng đã thay da đổi thịt và cuộc sống người dân cũng ngày phát triển hơn.

Nhớ lại ngày trước, sau khi chia tách từ xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé (năm 2009), Na Cô Sa được thành lập trên cơ sở tổng hợp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, cơ sở vật chất dường như bằng không (không đường, không chợ, không điện lưới quốc gia và không thông tin), đời sống của bà con dân tộc Mông nơi đây đa phần đói nghèo, với tỷ lệ hộ đói cao trên 90%. Do giao thông cách trở, Na Cô Sa từng được nhiều người ví là vùng đất biệt lập với các nơi khác. Xét về tiêu chí nông thôn mới, Na Cô Sa là xã trắng tiêu chí của huyện Nậm Pồ và nằm trong nhóm xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Song được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, hệ thống cơ sở vật chất của Na Cô Sa bắt đầu được đầu tư mở mang, đầu tiên là hệ thống đường giao thông và lưới điện quốc gia.

Nếu trước đây, con đường từ trung tâm huyện Nậm Pồ đi vào Na Cô Sa chỉ là đường mòn, gồ ghề sỏi đá khiến chúng tôi mất 1 ngày mới đến nơi thì giờ đây đường đã được mở rộng, rải cấp phối, khiến các phương tiện đi lại dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng hơn. Cuối năm 2013, 9 bản của xã Na Cô Sa đã được phủ sóng điện thoại và có điện lưới quốc gia, cuộc sống của bà con cũng thay đổi rõ rệt.

Khi chưa có điện, gia đình anh Giàng A Lếnh, bản Na Cô Sa 1 dù làm ăn chăm chỉ, dành dụm được một chút tiền nhỏ để trang trải nhưng cuộc sống 5 khẩu trong gia đình vẫn tối tăm và lạc hậu. Song đó chỉ là dĩ vãng, khi lưới điện quốc gia kéo vào tận bản, anh Lếnh phấn khởi lắm, anh sắm các thiết bị dùng điện trong nhà như quạt, nồi cơm điện, tivi, đài cát-sét... cho gia đình. Mỗi tối, gia đình anh Lếnh lại quây quần bên chiếc tivi để xem thông tin thời sự, cuộc sống trở nên vui vẻ và văn minh hơn.

Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, xã Na Cô Sa được đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng trường lớp học, hệ thống thủy lợi, đường dân sinh liên bản và công trình nước sinh hoạt. Giờ đây các bản trong xã đã cơ bản có đường dân sinh bằng bê tông; có bể nước sinh hoạt sạch sẽ, dồi dào; hệ thống trường, lớp đã được đảm bảo từ mầm non đến trung học cơ sở, các bản đều có điểm trường... Mọi điều kiện đã thuận lợi để giúp bà con trong việc sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng nỗ lực hết mình trong việc tuyên truyền, vận động bà con lao động, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi và vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền xã Na Cô Sa đã vận động người dân tập trung lao động sản xuất, khai hoang, cải tạo đất trống, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Từ thay đổi về phương thức lao động thì đời sống của bà con cũng từng bước được nâng lên.

Gia đình ông Vàng Chả Mua, bản Huổi Thủng 1 trước đây là hộ nghèo trong xã. Từ khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, ông Mua đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua gia súc, gia cầm giống về chăn nuôi, làm chuồng trại hợp lý, sau hơn 1 năm từ việc bán gia súc, gia cầm gia đình ông đã cải thiện cuộc sống rõ rệt. Giờ đây gia đình ông Mua không chỉ thoát nghèo mà còn trả hết số vốn vay, yên tâm phát triển kinh tế.

Ngày trước, bản Huổi Thủng 2 có tình hình an ninh trật tự nhức nhối, tỷ lệ người mắc tệ nạn xã hội cao, 116 hộ dân trong bản toàn là hộ đói, bà con chưa chịu khó làm ăn nên đời sống quanh năm cơ cực và nheo nhóc. Song từ sự nỗ lực tuyên truyền, phổ biến pháp luật của chính quyền xã cùng các chính sách hỗ trợ tạo kiều kiện cho vay vốn làm ăn, giờ đây đời sống bà con đã thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo trong bản chỉ còn hơn 20%, số người mắc tệ nạn xã hội đã giảm.

Từ xã trắng tiêu trí nông thôn mới, đến nay, Na Cô Sa đã hoàn thành 3/19 tiêu chí về đảm bảo an ninh chính trị, quy hoạch và tổ chức bộ máy chính quyền. Trong thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục phấn đấu hoàn thành thêm 6/19 tiêu chí, từng bước đưa đời sống nhân dân phát triển, xóa đói giảm nghèo.

Chia tay với mảnh đất Na Cô Sa, chúng tôi đặt trọn niềm tin tiếp theo vào sự thay đổi, phát triển của vùng đất gian khó ngày nào. Hy vọng, bằng sự quan tâm, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, Na Cô Sa sẽ ngày càng thay da đổi thịt, chuyển mình cùng sự phát triển chung của huyện Nậm Pồ.

Phương Liên

Back To Top