Video

Rừng Mường Đun kêu cứu

Thứ Sáu, 19/08/2016 10:45 Lượt xem: 26990 In bài viết

ĐBP - Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa có 1.607ha rừng tự nhiên. Hiện nay rừng của Mường Đun còn rất nhiều loại gỗ quý hiếm như gỗ nghiến cần được bảo vệ, nghiêm cấm khai thác dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng khai thác gỗ nghiến làm thớt đang diễn ra rất phức tạp tại địa bàn xã Mường Đun và địa bàn giáp ranh với xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Những cây nghiến cổ thụ vài trăm tuổi có đường kính từ 80cm đến 180cm vẫn bị lâm tặc triệt hạ để làm thớt.

Những ngày đầu tháng 8 khi đến bản Hột, xã Mường Đun, đứng ngay tại trung tâm bản có thể nghe tiếng máy cưa của lâm tặc gầm vang khắp khu rừng. Cùng người dân bản địa dẫn đường, phóng viên đã tiếp cận các khu vực có tiếng máy cưa của lâm tặc.

Tại khu rừng chưa đầy 4ha có đến vài chục cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ, khai thác; có những cây gỗ nghiến có đường kính đến 1,3m. Càng đi sâu vào trong rừng, càng nhiều cây bị chặt hạ. Người dẫn đường cho biết, đây mới chỉ là những cánh rừng phía ngoài, càng vào sâu bên trong thì càng có nhiều cây nghiến bị đốn hạ. Sau gần 2 giờ đi bộ giữa các vách núi, chúng tôi cũng tiếp cận được điểm nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ.

Đây là cây gỗ nghiến có đường kính khoảng 1,4m đang bị nhóm lâm tặc gần 10 người khai thác. Khi thấy người lạ xuất hiện, nhóm lâm tặc tạm nghỉ cắt gỗ, sau khi biết không phải kiểm lâm họ lại vô tư “làm việc” coi như không có chuyện gì xảy ra. Cách điểm lâm tặc đang khai thác gỗ khoảng 50m, một cây nghiến có đường kính 1,3m đã bị chặt hạ cách đây khoảng 20 ngày. Trước sự chứng kiến của phóng viên, người dẫn đường cho biết, khu rừng này có đến hàng trăm cây gỗ nghiến đã và đang bị khai thác.

Tìm hiểu về cách thức, phương tiện vận chuyển gỗ, chúng tôi được biết, lâm tặc đi xe máy vào tận bìa rừng và chỉ mất 30 phút đi bộ là có thể đi đến điểm khai thác gỗ. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe máy. Trung bình mỗi xe chở khoảng 6 – 10 cái thớt, đi theo đường mòn vận chuyển thớt đến các đầu mối tiêu thụ. Tại bìa rừng bản Hột phóng viên ghi lại được hơn 30 xe máy tập trung một chỗ chờ vận chuyển gỗ.

Tiếng cưa máy xẻ gỗ gầm vang cả một khu rừng, chúng tôi nghe được tiếng cưa của 5 điểm khai thác gỗ. Nhưng khi làm việc với kiểm lâm địa bàn chúng tôi bất ngờ khi đồng chí cho biết tại khu rừng này không hề có việc khai thác gỗ.

Không biết đồng chí kiểm lâm địa bàn có biết hay không, khi rừng Mường Đun và địa phận giáp ranh đang bị tàn phá hàng ngày. Câu hỏi phóng viên đặt ra là liệu có tình trạng kiểm lâm cố tình làm ngơ không biết lâm tặc phá rừng? Trong khi đứng ở bản Hột mọi người có thể nghe rõ tiếng cưa máy xẻ gỗ trong rừng.

Theo lời của ông Lò Văn Sân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa thì không có việc phá rừng ồ ạt mà chỉ khai thác nhỏ lẻ. Ý kiến này có vẻ như mâu thuẫn với báo cáo ông cung cấp cho chúng tôi, từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa bắt được 56 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 7,1m3 gỗ, có vụ Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa còn bắt được gần 1.000 thớt nghiến.

Khi phóng viên đưa những hình ảnh về phá rừng, ông Sân cho rằng đó là đất của huyện Tuần Giáo. Ông Sân cũng chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm cùng phóng viên đến khu vực có cây gỗ nghiến bị khai thác, đo tọa độ tại các điểm khai thác để xác định vị trí thuộc địa phận Tủa Chùa hay Tuần Giáo, khi đo tại tọa độ E00551579, N02418566 và tọa độ E00551446, N02417867, kiểm lâm Tủa Chùa khẳng định đây là đất của huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, khi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cán bộ kỹ thuật của Chi cục đã ốp tọa độ trên vào bản đồ thì vị trí trên thuộc huyện Tủa Chùa.

Chúng tôi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định không có việc khai thác gỗ nghiến tại địa bàn huyện, mà việc khai thác chỉ diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa huyện Tủa Chùa và các huyện Tuần Giáo, Quỳnh Nhai.

Nhưng liệu ông Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa có biết, phần lớn người vào rừng khai thác gỗ nghiến là người dân của huyện Tủa Chùa, vậy công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng của Tủa Chùa đã làm đến đâu để bảo vệ những cánh rừng nghiến vài trăm năm tuổi.

Ông Bình cũng viện ra lý do khó khăn trong công tác bảo vệ rừng và những kết quả mà kiểm lâm bắt qua các vụ vi phạm lâm luật. Nhưng trên thực tế, lượng gỗ bị khai thác còn lớn hơn gấp nhiều lần so với số vụ vi phạm mà kiểm lâm bắt giữ. Còn những cây gỗ nghiến trong rừng vẫn luôn đứng trước nguy cơ khai tử.

Hiện những cánh rừng đang kêu cứu. Qua thực tế trên, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì chỉ trong thời gian ngắn nữa những cây nghiến cổ thụ sẽ biến mất.

Vinh Duy

Back To Top