Video

Hãy chọn cho mình tương lai an toàn, mạnh khỏe và hạnh phúc hơn

Thứ Hai, 31/10/2016 10:01 Lượt xem: 8245 In bài viết

ĐBP - Chúng ta đã nói rất nhiều về ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế, hiệu quả xã hội, giá trị nhân văn mà nó mang lại... song có đến nơi điều trị, có chứng kiến những hoàn cảnh không may mắc bệnh hiểm nghèo với bao nhiêu khó khăn, bế tắc mới thấy hết được giá trị mà tấm thẻ bảo hiểm y tế mang lại. Với nhiều bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo, tấm thẻ BHYT như lá bùa hộ mệnh bên mình... 

Anh Lường Văn Phong năm nay 33 tuổi, nhà ở bản Na Cọ, xã Mường Lói, huyện Điện Biên, điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến nay đã gần 3 tuần. Bị mắc bệnh ung thư dạ dày cách đây 3 năm, nhập viện điều trị 3 lần; lần nào vợ anh - chị Lò Thị Họm cũng lên theo chăm sóc. Chị Họm cho biết, anh Phong thấy đau bụng lâu lắm rồi, song vì nhà nghèo nên chỉ điều trị qua loa đỡ đau thì thôi chứ không có tiền đi khám tại các cơ sở y tế. Đến năm 2013, do đau quá phải đi cấp cứu mới phát hiện bị ung thư. Vào viện rồi tiền không có, cả nhà lại chạy vạy đi vay ngân hàng để chi phí ăn uống, đi lại. Cho đến nay, mỗi lần đi điều trị là thêm một lần vay tiền, vì từ ngày anh đổ bệnh, sức khỏe cứ dần yếu đi, việc làm kinh tế phải chuyển hết sang vai chị. Mà với sức của chị thì làm đủ cho 6 miệng ăn đã khó, nói gì đến dành tiền khi ốm đau bệnh tật. Nhà có 4 con gái, cháu lớn nhất mới 12 tuổi, nhỏ nhất hơn 1 tuổi. Mỗi lần anh Phong nhập viện, vợ phải đi theo chăm sóc, 4 đứa con lại nhờ ông nội năm nay đã 80 tuổi trông nom.

Chúng tôi về thăm nhà anh chị Phong - Họm, nơi có cụ ông năm nay đã 80 tuổi, nhưng vẫn phải gắng sức giúp trông 4 đứa cháu để con dâu đưa con trai đi viện. Cách TP. Điện Biên Phủ gần 100km, trong ngôi nhà được làm trước khi anh Phong bị bệnh không có gì giá trị ngoài cái tủ và ti vi đời cũ, mà theo ông Siêng - bố đẻ anh Phong thì năm 2014 vợ chồng anh vay tiền để mua, định bụng sẽ trả dần bằng thóc nhưng giờ ốm đau thế này nợ nần lại chồng chất thêm. Đứa con gái đầu đang học lớp 7, nhưng đã nghỉ học 2 tuần nay để cùng bà nội lên nương gặt lúa nên ở nhà chỉ có mấy ông cháu trông nhau. Ông Lường Văn Siêng giờ cũng gánh thêm nhiều bệnh của tuổi già nên chẳng làm được gì. Điều khiến ông trăn trở nhất là danh sách những khoản nợ ghi vội trên vách nhà sau mỗi lần anh Phong đi viện ngày một dài thêm. Khó khăn chồng thêm khó khăn, thế nhưng chính khi ấy, ông Siêng lại càng thấy giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho hộ nghèo như gia đình ông. 

Cũng nằm điều trị tại Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Thào A Giáo ở bản Mường Toong, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé đã coi đây như nhà của mình. Bởi từ tháng 2/2016 đến nay, ông Giáo gần như thường trực điều trị tại bệnh viện. Nhiều lần đi lại bệnh viện để điều trị căn bệnh ung thư dạ dày khiến kinh tế gia đình từ chỗ khá giả, nay đã khánh kiệt. Ngày lại ngày con cái thay phiên nhau vào viện chăm sóc ông. Lần này, con rể út Chang A Chỉnh được cả nhà giao chăm bố ở viện đã vài tháng. Anh Chỉnh tâm sự rằng, trước đây chẳng ai trong gia đình anh hiểu hết giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế, nhưng đến giờ thì ai cũng thấy nó thực sự như lá bùa hộ mệnh của gia đình.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc 22 - 23 bệnh nhân. Gần như 100% bệnh nhân có thẻ BHYT người nghèo. Với họ thì, đây là tấm bùa hộ mệnh, vì nếu không có thẻ thì không biết bệnh nhân và y bác sỹ sẽ chiến đấu với bệnh tật thế nào khi phần đa là bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chi phí điều trị cao, điều trị dài ngày; trong khi điều kiện kinh tế của bệnh nhân thì lại rất khó khăn. Tuy nhiên, có một thực tế là, vì chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, nhận thức về bảo hiểm y tế còn hạn chế nên mặc dù được chi trả điều trị rất nhiều tiền, nhưng do không phải bỏ tiền túi ra nên nhiều người chưa nhận thấy hết được giá trị của thẻ. Có bệnh nhân vào điều trị nhiều lần, mỗi lần được BHXH chi trả đến vài chục triệu đồng, song không hề biết. Cũng chính vì thế mà nhiều người chưa nhận ra vai trò quan trọng của tấm thẻ, không chịu tìm hiểu về quy trình sử dụng thẻ, sự quan trọng của việc giữ gìn thẻ cẩn thận, mang thẻ theo mỗi khi đi khám bệnh hay làm thủ tục để được thụ hưởng...

Ngược lại, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, ngoài số trường hợp kể trên, hiện nay cũng đã có những hộ dân không thuộc diện nghèo nhưng do ý thức được giá trị của sức khỏe nên đã chủ động tham gia BHYT cho cả gia đình. Và đến khi không may bệnh tật, nhất là những căn bệnh hiểm nghèo, chính là lúc họ có quyền hy vọng những giá trị thiết thực mà chiếc thẻ mang lại.

Để đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng, những năm qua BHXH tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. BHXH tỉnh cũng phối hợp tốt với Sở Y tế thường trực tại các cơ sở y tế để hướng dẫn và giải quyết kịp thời các chế độ BHYT theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT, không để vướng mắc xảy ra. Đặc biệt, năm 2016, thực hiện thông tuyến KCB đã thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh BHYT khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến huyện. Người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Nhất là đối với các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác.

Nếu như trước đây người bệnh khi đi KCB trái tuyến ở bệnh viện tuyến huyện, chỉ được hưởng 70% chi phí, thì từ 1/1/2016 được hưởng 100% chi phí BHYT. Điều này đã tạo thuận lợi và mở rộng quyền lợi đối với người tham gia BHYT.

Năm 2015, BHXH tỉnh đã thẩm định chi phí KCB BHYT cho gần 821.500 lượt người, số tiền trên 270 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán chi phí cao cho gần 2.000 lượt đối tượng với số tiền gần 13 tỷ đồng. Và 9 tháng đầu năm 2016, cơ quan bảo hiểm đã thẩm định chi phí KCB BHYT cho trên 664.600 lượt người, số tiền ước tính gần 240 tỷ đồng; trong đó, chi trả chi phí cao cho 347 bệnh nhân với tổng số tiền trên 14,4 tỷ đồng, chiếm 6% so với tổng chi trả của 9 tháng. Từ năm 2012 - 2015, tổng kinh phí mỗi năm chi cho đối tượng bệnh nhân này chiếm 1,4% tổng chi trả hàng năm.

Đôi khi chúng ta vẫn nói hoặc nghe rồi lại lãng quên ngay những thông điệp như là: “BHYT mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. Đóng tiền mua thẻ BHYT là cách chúng ta “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”... Nhưng nếu chứng kiến những bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo chiến đấu với bệnh tật; được về thăm ngôi nhà của họ, nơi có những đứa trẻ đang phải gồng mình “lớn sớm” so với tuổi; khi nghe những con số giật mình về số tiền dùng để điều trị bệnh hiểm nghèo, chúng tôi tin, những thông điệp sẽ lớn hơn nhiều. Hãy vì tương lai của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội để lựa chọn cho mình một tương lai an toàn, mạnh khỏe và hạnh phúc hơn...

Mai Thủy - Hải Yến

Back To Top