Video

Chế biến dong riềng tại 2 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn

Tín hiệu tích cực từ việc bảo vệ môi trường

Thứ Ba, 15/11/2016 10:17 Lượt xem: 9459 In bài viết

ĐBP - Cây dong riềng được nông dân 2 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn (huyện Điện Biên) trồng nhiều từ vài năm trở lại đây, với diện tích trên 300ha. Trung bình 1ha dong riềng cho năng suất trên 60 tấn. Với giá bán hiện nay khoảng 3 nghìn đồng/kg củ tươi thì giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng các loại cây nông nghiệp khác.

Tuy nhiên, việc sơ chế dong riềng tại các xưởng sơ chế những năm trước đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, không khí, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Các xưởng chế biến dong riềng đều chưa có hướng khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường. Nước sau sơ chế, bã dong riềng đều đổ thẳng ra suối Nậm Rốm mà không qua bất cứ hình thức xử lý nào. Con suối Nậm Rốm xanh mát ngày nào, mỗi mùa chế biến dong riềng lại trở nên đen ngòm bốc mùi hôi thối. Hầu hết các cơ sở sơ chế dong riềng đều nằm dọc quốc lộ 279, ngay sát dòng suối Nậm Rốm. Việc xả thẳng nước thải, bã dong riềng ra suối làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân khu vực này, vì suối Nậm Rốm là nơi cung cấp nước sản xuất cho cánh đồng Nà Tấu và Nà Nhạn.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo 2 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn cùng các cơ quan chuyên môn đã xuống kiểm tra, đánh giá thực trạng ô nhiễm và có giải pháp hướng dẫn các cơ sở chế biến khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục ô nhiễm, xã đã chỉ đạo các cơ sở chế biến xây các bể chứa nước thải, để lắng đọng trước khi xả ra suối Nậm Rốm. Ý thức được tác hại của ô nhiễm môi trường, cũng như trách nhiệm của mình, 9 cơ sở sơ chế dong riềng đã đầu tư các bể lọc để chứa nước thải. Trồng cây thủy sinh tại các bể lọc trước khi xả ra môi trường.

Đối với bã dong riềng, các cơ sở chế biến đã gom lại bán cho nông dân huyện Mường Ẳng làm phân bón. Sau mỗi ngày sơ chế khoảng 50 – 70 tấn dong riềng, bã được các chủ cơ sở vận chuyển ra khỏi xưởng, đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại thời điểm đầu tháng 11/2016, hầu hết các chủ cơ sở chế biến dong riềng đã xây dựng được các bể chứa bã thải theo cam kết với chính quyền địa phương. Các bể này được thiết kế tùy theo diện tích, dung lượng sản xuất và xả thải của các xưởng, đáp ứng được việc chứa và lắng lọc bã thải dong riềng. Nước thải sau khi để lắng mới được xả ra môi trường.

Tại cơ sở chế biến dong riềng của chị Lò Thị Kiên, bản Sôm 1, xã Nà Tấu, các bể chứa nước thải được chị xây dựng kiên cố. Nước sau khi sơ chế dong riềng đều được lọc tại đây trước khi xả ra suối Nậm Rốm. Để hạn chế nước ô nhiễm xả ra môi trường, chị Kiên còn đào thêm 3 chiếc ao có diện tích trên 400m2 để tiếp tục giữ nước thải và trồng cây thủy sinh trước khi xả ra môi trường.

Động thái khắc phục ô nhiễm môi trường của các chủ cơ sở chế biến dong riềng tại 2 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn đã có dấu hiệu chuyển hướng tích cực. Các chủ cơ sở đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình về bảo vệ môi trường. Họ ý thức được việc xả thải ra môi trường nước sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con trong trong vùng, vì thế khi được nhắc nhở, kiểm tra, các chủ cơ sở đã nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Được biết, các chủ cơ sở chế biến dong riềng đều là người dân sở tại, việc am hiểu về bảo vệ môi trường sau khi chế biến chưa được đầy đủ, chính vì thế các cơ quan chức năng đã hướng dẫn đầy đủ cho các chủ cơ sở cách bảo vệ môi trường. Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tạo sinh kế lâu dài cho người dân trồng dong riềng đang dần ổn định và đi đúng hướng. Tuy nhiên, để thực hiện triệt để việc xử lý ô nhiễm môi trường thì không chỉ dừng lại từ phía người dân và các chủ cơ sở sản xuất, mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Vinh Duy – Quang Hưng

Back To Top